(NLĐO) – Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, TP Đà Nẵng được xem là lễ hội có một không hai tại Việt Nam.
Trong 2 ngày 7 và 8-5 (nhằm ngày 29-3 và 1-4 Âm lịch), UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phục dựng Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ năm 2024 tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu).
Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa - tín ngưỡng truyền thống, diễn ra tại Đình Thần Nông, Cồn Thần và không gian làng cổ Phong Lệ. Đây là lễ hội tôn vinh trẻ mục đồng duy nhất, chỉ có ở làng Phong Lệ, TP Đà Nẵng
Theo truyền khẩu, đất Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay níu lại. Người dân cho rằng có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn, từ đó nơi này có tên Cồn Thần
Một hôm có đàn trâu chạy lạc lên cồn, đám trẻ mục đồng đến tìm nhưng không hề hấn gì. Từ đó, tiếng đồn gần xa là Cồn Thần chỉ cho trẻ mục đồng đến gần
Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của trẻ mục đồng trong làng. Xuất phát từ câu chuyện ấy, sau nhiều thế hệ dần hình thành lễ hội dành riêng cho trẻ mục đồng, gọi là Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ, diễn ra vào mùng 1-4 Âm lịch hằng năm
Lễ hội được tổ chức vào lúc thời tiết đẹp, nắng ráo, mùa màng tạm xong, người nông dân có thời gian nông nhàn để tham dự
Các nghi thức trong lễ hội gồm 3 phần lễ và 1 phần hội. Đầu tiên là lễ rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Tiếp theo là lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương, đánh lễ thần
Sau cùng là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt cả một ngày. Phần hội đặc biệt không thể thiếu hát mục đồng nhằm tạ ơn Thần Nông, các vị thần linh giáng hạ phù hộ cho nhân dân ấm no, mùa màng tươi tốt. Cùng với đó là các trò chơi dân gian...
Qua thăng trầm của thời gian, lễ hội có nguy cơ mai một. Được biết, lần cuối cùng lễ hội được tổ chức ở thời phong kiến là năm Bảo Đại thứ 11 (năm 1936). Sau 70 năm gián đoạn, lễ rước Mục đồng được phục dựng và tổ chức được 3 lần vào các năm 2007, 2010 và 2014
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Lê Đức Hùng, việc phục dựng thành công Lễ hội Mục đồng là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa, gìn giữ các giá trị của cộng đồng dân cư
Thời gian đến, huyện Hòa Vang sẽ triển khai đề án về xây dựng Làng văn hóa đặc trưng Phong Nam, đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ. Đây là cơ sở để địa phương thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cũng như là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội
Theo thông tin của UBND huyện Hòa Vang, vùng đất Phong Lệ yên ả của xứ Đàng Trong thuở xưa, nay thuộc địa bàn khu dân cư Phong Bắc (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang).
Làng cổ Phong Nam là một phần của làng Phong Lệ xưa. Làng nằm cách trung tâm Đà Nẵng 12km về phía tây nam. Trải qua tuổi đời hơn 100 năm, nơi đây là một trong những miền quê hiếm hoi của Đà Nẵng giữ được những nét cổ kính đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Đặc biệt những ngôi nhà ở đây có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm. Đây cũng là nơi "chôn nhau cắt rốn" của danh nhân Ông Ích Khiêm.
Đăng thảo luận