"Với các em học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ thì bao nhiêu cũng quý, một đồng cũng quý, vì đó là tấm lòng!".

Học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc: Một cũng quý  第1张

Học sinh Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi) trong tiết chào cờ đầu tuần với chủ đề Ngày làm việc tốt "Gửi nắng yêu thương" - Ảnh: NHƯ HÙNG

Một vị phụ huynh thốt lên như vậy khi đọc dòng tin trên báo về việc một trường tiểu học ở TP.HCM vinh danh học sinh nào đóng góp từ 100.000 đồng trở lên thì được giấy khen do hiệu trưởng ký, dưới 100.000 đồng thì chỉ được thư khen do cô giáo chủ nhiệm ký.

Không riêng gì vị phụ huynh trên mà nhiều người cũng bất bình, bức xúc trước cách làm này. Việc khen học sinh là đúng, cần thiết để khích lệ, đồng thời giáo dục các em. Tuy nhiên, khen không đúng cách thì sinh ra phản cảm, phản giáo dục.

  • Học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc: Một cũng quý  第2张

    Phân biệt đối xử khi khen học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc, gây bất bình: Trường nói gì?ĐỌC NGAY

Trong những ngày qua, một trong những chủ đề bàn luận nhiều trong xã hội là những đau thương, mất mát mà bão Yagi gây ra cho đồng bào miền Bắc. Từ đó câu chuyện tiếp nối là chia sẻ, đóng góp ủng hộ đồng bào.

Một người bạn của tôi kể trong một bữa ăn tối, con trai của anh đột nhiên hỏi: "Ba ơi, sao ba không ủng hộ 100 triệu đồng. Trường con có một phụ huynh giấu tên đóng góp tới 150 triệu đồng lận đó ba".

"150 triệu đồng thật đáng quý, vì đó là một số tiền lớn. Nhưng con đóng góp 200.000 đồng từ "quỹ đen" của con (bạn cho con tiền ăn sáng, tiêu vặt, mua sách vở…) cũng rất đáng quý. Đó là tấm lòng, là sự quan tâm, là nghĩa đồng bào" - bạn tôi trả lời con.

Còn nhớ tạp chí Time của Mỹ năm 2010 đã gây bất ngờ khi đưa một bà bán rau ở Đài Loan vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới của năm đó. Số tiền tích cóp từ những đồng tiền lãi bán rau ít ỏi và cuộc sống rất mực tằn tiện được bà dành tặng cho trẻ mồ côi, xây thư viện cho các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa.

Lý giải vì sao tên của một người bình thường lại được xếp cạnh những tên tuổi lớn của thế giới thời đó như Bill Clinton, Barack Obama, Lý Quang Diệu, Oprah Winfrey, Steve Jobs, Elon Musk…, Time cho rằng điều tuyệt vời của bà bán rau không phải là làm gì đó thật sự lớn lao mà đơn giản là ở chính lòng hảo tâm của một người bình thường.

Còn bà bán rau thì vẫy tay đáp nhanh với báo giới khi được phỏng vấn: "Thực ra tôi chưa từng ủng hộ được một khoản nào lớn cả".

Như vậy, vinh danh bà bán rau, Time muốn gửi vào thế giới một thông điệp rằng người bình thường cũng có thể trở thành "người lớn" khi làm việc nhỏ với một tình yêu lớn.

Trở lại câu chuyện của nhà trường trên đây, thật tiếc khi trường đã bỏ qua một cơ hội trong giáo dục con trẻ.

Vấn đề không nằm ở chỗ trường quyên góp được bao nhiêu mà ở chỗ mỗi đồng tiền gửi gắm tới đồng bào, học sinh sẽ nhận lại được bài học vô giá.

Đó là bài học về tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng nghĩa; về sự sẻ chia, đùm bọc; về sự quan tâm, không vô cảm. Nhà trường, thầy cô phải dạy cho con trẻ điều đó, hướng cho các em tới thiện tâm và thực chất, chứ không phải lấy tiền trăm tiền triệu làm thước đo cho việc thiện.

Thêm nữa, cũng không nên để các trường bị cuốn vào chủ nghĩa thành tích, vào các phong trào thi đua vận động, đóng góp.

Dĩ nhiên trường không thể đứng ngoài cuộc, nhưng đóng góp, ủng hộ trong trường học nên nhấn mạnh tính giáo dục thay vì chạy đua, tuyên dương theo các con số, chỉ tiêu, định mức.