Trong khi du lịch nội địa loay hoay với giá vé máy bay cao, nhiều điểm đến nước ngoài đẩy mạnh quảng bá để "kéo" khách Việt

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cần chiến lược xây dựng lợi thế cạnh tranh cho điểm đến du lịch Việt Nam với tầm nhìn dài hạn trên 1 năm như tổ chức hoặc đấu thầu các giải thể thao, chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế… nâng cao khả năng quảng bá về điểm đến và thu hút khách du lịch.

Tour nước ngoài vẫn lấn lướt

Khảo sát về xu hướng du lịch hè của khách Việt vừa được nền tảng Booking.com công bố cho thấy điểm đến quốc tế trong khu vực châu Á và xa hơn được du khách quan tâm. Trong đó, Bangkok (Thái Lan), Singapore, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Kuala Lumpur (Malaysia)… nằm trong danh sách các điểm du lịch hè được người Việt yêu thích. Đồng thời, du khách cũng để mắt tới những điểm du lịch xa hơn trong mùa hè này khi Paris (Pháp) và London (Anh) lọt vào tốp 4 và tốp 8 trong danh sách.

Báo cáo Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt - Mùa hè 2024 của The Outbox Company cũng cho thấy có đến 79,7% khách Việt dự định đi du lịch nước ngoài trong vòng 12 tháng tới.

 Chạy đua hút khách nội 第1张

Khách Việt Nam tham quan, mua sắm ở điểm đến tại Fukushima - Nhật Bản

Nắm bắt xu hướng này, một số công ty du lịch đã "bắt tay", liên kết với các đối tác cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, các hãng hàng không để xây dựng sản phẩm du lịch giá ưu đãi để kích cầu. Ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup, cho biết công ty đang mở bán tour đi Hàn Quốc với lịch trình Seoul - Nami - Everland 4 ngày 4 đêm, khởi hành đầu tháng 9-2024, giá chỉ 11,99 triệu đồng/khách. Mức giá này giảm tới 5 triệu đồng so với tour thông thường dù các điểm đến, lịch trình, khách sạn… đều không thay đổi.

"Giá tour này do công ty làm việc với đối tác hàng không là hãng T'way Air (Hàn Quốc) và các đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển, khách sạn, điểm mua sắm, nhà hàng… Giá kích cầu mùa thấp điểm giúp khách Việt có cơ hội khám phá những điểm đến ở Hàn Quốc nhưng quan trọng là câu chuyện liên kết giữa công ty lữ hành và đối tác nước ngoài khi họ chấp nhận giảm giá, hỗ trợ để có chi phí tour hợp lý nhất. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng thường xuyên có chương trình kích cầu, ưu đãi, quà tặng góp phần thu hút khách Việt" - ông Trần Thanh Vũ nói.

Cần "nhạc trưởng" để tour trong nước cạnh tranh

Trong khi nhiều thị trường du lịch tăng cường quảng bá, xúc tiến hoặc kết nối với doanh nghiệp (DN) Việt để tạo sản phẩm, chương trình du lịch có giá cạnh tranh, thu hút khách, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang "đau đầu" với bài toán chi phí và giải pháp nâng chất sản phẩm.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Kiwi Travel, cho hay giá vé máy bay duy trì ở mức cao thời gian qua nhưng việc kết nối với các hãng hàng không để tạo những chương trình, tour tuyến có giá hấp dẫn đủ sức cạnh tranh không dễ. Đặc biệt, ngành du lịch đang thiếu "nhạc trưởng" trong vai trò kết nối giữa DN hàng không và du lịch. Ngay liên kết vùng cũng không còn hiệu quả như giai đoạn trước đây.

"Các DN lữ hành rất khó xây dựng sản phẩm vừa chất lượng vừa có giá cạnh tranh nếu thiếu sự liên kết giữa đơn vị vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… với vai trò "nhạc trưởng" của cơ quan quản lý. Ngay câu chuyện giá vé máy bay tăng cao, DN chuyển hướng đẩy mạnh tour bằng tàu hỏa nhưng gần đây vé tàu khó đặt cho khách đoàn; khách cũng than phiền chất lượng dịch vụ trên tàu hỏa chưa tốt. Khó quá!" - ông Huy nói.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nhận định trong ngành du lịch, mối quan hệ, hợp tác giữa công ty lữ hành và hãng hàng không là tất yếu, cùng với các mắt xích quan trọng khác như dịch vụ lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, mua sắm... để cùng xây dựng, mở rộng các loại hình sản phẩm du lịch.

"Nếu không có sự bắt tay của du lịch và hàng không, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng. Các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng. Hàng không - du lịch cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường; cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác du lịch hai chiều, tăng sức cạnh tranh cho du lịch nội địa" - ông Yên nói.