(NLĐO) - Một tàu vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra những cánh đồng muối ngoài hành tinh rất giống những gì con người hay tạo ra trên Trái Đất.
Theo Sci-News, một phân tích mới dựa trên dữ liệu tàu quỹ đạo TGO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát hiện ra nơi sự sống ngoài hành tinh có thể trú ẩn ở khu vực Terra Sirenum trên Sao Hỏa.
Đó là các mảng trầm tích chứa clorua có đường kính từ 300-3.000 m.
Tổng cộng có 965 mảng như thế đã được Hệ thống hình ảnh bề mặt màu và lập thể (CaSSIS) của tàu TGO ghi nhận.
Các "cánh đồng muối" hiện ra với màu tím trong hình ảnh chụp bởi công cụ CaSSIS của tàu TGO - Ảnh: ESA
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Valentin Bickel từ Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho biết nhiều khả năng các mảng trầm tích giàu muối này hình thành từ các ao nước nông hoặc nước muối bốc hơi dưới ánh nắng Mặt Trời.
Chúng đã lưu lại vĩnh viễn trên bề mặt Sao Hỏa sau khi hành tinh này mất đi toàn bộ lượng nước vốn có, trở thành một sa mạc cằn cỗi từ vài tỉ năm trước.
Nói cách khác, các mảng trầm tích này có thể y hệt các cánh đồng muối mà con người tạo ra để sản xuất muối từ nước biển ở Trái Đất.
Theo nhóm nghiên cứu, nơi đó rất có thể là mục tiêu mà các tàu săn tìm sự sống trong tương lai nên hướng đến.
Tất nhiên, tuy giống cánh đồng muối của con người nhưng sự sống mà chúng ta tìm kiếm không phải là người ngoài hành tinh, mà là các dạng sống bé nhỏ hơn có thể tận dụng môi trường này để tồn tại.
"Những vùng nước rất mặn có thể trở thành nơi trú ẩn cho sự sống, là ngọn hải đăng chỉ dẫn những nơi có thể sinh sống được trên Sao Hỏa vì nồng độ muối cao cho phép nước duy trì trạng thái lỏng ở nhiệt độ thấp tới -40 độ C" - các tác giả giải thích.
Như chúng ta đã biết, Sao Hỏa lạnh hơn Trái Đất nhiều.
Đăng thảo luận