(NLĐO)- Cứu trợ không chỉ là việc trao đi vật chất mà còn là sự sẻ chia bằng cả tấm lòng và trí tuệ. Khi lòng nhân ái được kết hợp với việc tổ chức khoa học, sự hỗ trợ là nguồn sống, niềm hy vọng cho những người đang kiệt quệ.
Tôi sống tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều trận thiên tai, từ bão lũ đến sạt lở đất. Trong những năm qua, tôi đã tham gia vào công tác cứu trợ. Một trải nghiệm cụ thể mà tôi muốn chia sẻ là bài học từ công tác cứu trợ đồ ăn trong thiên tai.
Vừa tiếc nuối, vừa xót xa
Năm 2020, cơn bão số 13 ập đến Quảng Bình, người dân quê tôi hứng chịu trận lũ lịch sử. Lũ lụt cuốn trôi nhà cửa và tài sản của bà con. Trong cơn hoạn nạn ấy, rất nhiều tổ chức và cá nhân từ khắp nơi đã gửi thực phẩm cứu trợ đến cho chúng tôi.
Sự hỗ trợ từ cộng đồng là vô cùng quý giá nhưng trong thực tế, chúng tôi đã gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình tiếp nhận.
Một ví dụ điển hình là sự xuất hiện của nhiều nhóm cứu trợ khác nhau cùng lúc tại một số khu vực. Họ gửi hàng trăm thùng bánh mì, bánh quy đến chúng tôi.
Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cùng với việc thực phẩm không được bảo quản đúng cách trong quá trình vận chuyển khiến bánh mì mềm ỉu chỉ sau 1 ngày, nhiều thùng bánh quy hết hạn sử dụng, một số thùng khác thì ẩm mốc vì không được đóng gói chắc chắn.
Một ví dụ khác là những chiếc bánh tét, bánh chưng cứu trợ, giữa cảnh ngập lụt mênh mông và thời tiết khắc nghiệt, vô tình trở thành gánh nặng cho địa phương tiếp nhận.
Người dân Quảng Bình nhận cứu trợ sau trận lụt lịch sử năm 2020. (Ảnh: Trần Thái)
Không ít lần, những chiếc bánh được gửi đến đã bị thiêu vì không được bảo quản đúng cách. Những chiếc bánh đậm chất quê hương, nghĩa tình, mang theo bao lời chúc bình an, là nguồn an ủi tinh thần cho bà con vùng lũ nhanh chóng hư hỏng chỉ trong vài ngày khiến chúng tôi vừa tiếc nuối, vừa xót xa.
Để tránh lãng phí
Cảnh tượng này nhắc nhở chúng tôi rằng bên cạnh lòng hảo tâm, việc hiểu rõ điều kiện bảo quản và lựa chọn thực phẩm phù hợp là vô cùng quan trọng.
Nếu thay thế những chiếc bánh truyền thống bằng các loại thực phẩm khô, đóng hộp bền lâu, không chỉ giúp giữ được giá trị cứu trợ mà còn tránh được lãng phí, giúp từng phần quà đến được với người dân một cách trọn vẹn và đầy đủ.
Một quá trình cứu trợ hiệu quả là khi mỗi phần quà trao đi không chỉ đơn thuần lấp đầy dạ dày trong phút chốc, mà còn để lại sự ấm áp, tiếp thêm sức mạnh giúp người dân vùng lũ đứng dậy sau giông bão.
Để công tác cứu trợ thực sự hiệu quả, những cá nhân, tổ chức tham gia cần tuân thủ quy trình bảo quản và vận chuyển thực phẩm.
Thực phẩm cứu trợ không chỉ đơn thuần là những món ăn kịp thời mà còn là nguồn sống quý báu, cần được đóng gói chắc chắn và bảo quản phù hợp với thời tiết khắc nghiệt.
Những sản phẩm có thể tồn trữ lâu dài như thực phẩm khô, đóng hộp nên được ưu tiên lựa chọn, đảm bảo duy trì chất lượng trong suốt quá trình phân phối.
Bên cạnh đó, việc đào tạo tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ về cách xử lý thực phẩm từ việc phân loại, đóng gói cho đến bảo quản cũng là yếu tố then chốt.
Những kiến thức cơ bản ấy giúp nâng cao hiệu quả cứu trợ, đảm bảo thực phẩm đến tay người dân lành lặn và an toàn.
Diễn đàn "Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?": Cứu trợ, không chỉ là vật chất…
Diễn đàn “Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?”: Cần có tổ chức điều phối
Diễn đàn “Để công tác cứu trợ diễn ra hiệu quả, thiết thực”: SOS cho việc cứu trợ
Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn và quy trình trong cứu trợ sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng lãng phí và thực phẩm bị hư hỏng.
Cũng từ thực tế, chúng tôi nhận ra rằng công tác cứu trợ, dù xuất phát từ lòng hảo tâm, vẫn cần sự tổ chức và phối hợp chặt chẽ hơn để thật sự phát huy hiệu quả.
Các tổ chức cứu trợ thay vì hoạt động riêng lẻ cần gắn kết với chính quyền địa phương, những người hiểu rõ nhất tình hình và nhu cầu của từng khu vực. Có như vậy việc phân phối thực phẩm mới tránh được tình trạng nơi thì thừa mứa, nơi lại thiếu thốn.
Chính quyền địa phương còn đóng vai trò là cầu nối quan trọng, có thể cung cấp thông tin chi tiết về mức độ thiệt hại của từng khu vực, từ đó hướng dẫn các nhóm cứu trợ tới những nơi thật sự cần thiết. Nếu có thể thiết lập một trung tâm điều phối chung thì quá trình cứu trợ sẽ không còn rời rạc mà trở nên nhịp nhàng, hệ thống hơn.
Khi mọi nguồn lực đều được tập trung và quản lý tốt, minh bạch thì công tác hỗ trợ không chỉ là tấm lòng mà còn là cứu cánh thực sự cho những người đang tuyệt vọng.
Mỗi hành động cứu trợ, khi được thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học sẽ như một bàn tay nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau của những người đang phải gánh chịu thiên tai.
Đăng thảo luận
2024-12-03 13:35:05 · 来自121.77.38.237回复
2024-12-03 13:45:00 · 来自139.215.170.55回复
2024-12-03 13:55:00 · 来自210.33.112.151回复
2024-12-03 14:05:03 · 来自171.12.73.194回复
2024-12-03 14:14:58 · 来自123.234.97.226回复
2024-12-03 14:24:52 · 来自182.89.210.215回复