Tạm xa hương cốm, tạm xa những ngọn gió Thu Hà Nội, chúng tôi có dịp tới thăm miền ký ức Tết đoàn viên xưa tại làng Ông Hảo (hay làng Hảo) nằm ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Thủ đô chừng 40 km. Ngôi làng đã có hơn nửa thế kỷ sản xuất ra những chiếc trống ếch, mặt nạ giấy bồi với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ nổi danh cả nước.
Ký ức về Tết Trung thu cổ truyền xưa...
Băng qua những cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng trong ánh nắng dịu của buổi sáng mùa Thu, chiếc xe đưa chúng tôi dừng lại cổng nhà một lão nông ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Ngay từ ngoài sân đã thấy la liệt là những chiếc mặt nạ, những món đồ chơi Trung thu truyền thống đầy màu sắc vui nhộn và bắt mắt...
Một cảm giác thân quen ùa về trong tâm thức khiến chúng tôi như được sống lại ký ức của mùa phá cỗ trông trăng thời chăn trâu, ngay tại khoảng sân nhà ông Vũ Huy Đông - nơi lưu trữ một góc hoài niệm của mùa Trung thu cũ với những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi đủ sắc màu.
Khi thấy những vị khách lạ, ông lão bất chợt dừng tay, gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt hơi au đỏ, nhíu mày nhìn ra phía cổng. Ông lão nhanh nhảu mời những vị khách len lỏi qua chồng mặt nạ giấy bồi và trống ếch để nhâm nhi chén trà, bắt đầu tỉ tê về công việc đã gắn bó với ông gần nửa thế kỷ.
‘Làng tôi bắt đầu phát nghề từ khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, lúc ấy có hợp tác xã làm trống đồ chơi, sau giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng mươi nhà theo nghề này,’ ông Đông thủng thẳng nói.
Nhấp một ngụm trà, ông Đông đứng dậy trở về khoảng sân tiếp tục vẽ nốt chiếc mặt nạ giấy bồi dang dở, vừa làm vừa ‘thuyết minh’ bằng cả tâm can về ý nghĩa của các món đồ chơi dân gian dịp Trung thu cho những người khách phương xa.
Hình ảnh những chiếc mặt nạ giấy bồi Trung thu gắn liền với ông Đông hơn 60 năm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)Nhớ về thuở phá cỗ trông trăng trong khoảng sân đình của thế kỷ trước, ông Đông cho hay hay bất kỳ ai trong làng cũng đều háo hức với những màn múa lân trong tiếng trống rộn ràng cùng những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh nhưng nom cũng rất buồn cười.
Với ông, ngày đó những chiếc mặt nạ chỉ là những món đồ mua vui đêm rằm cho con trẻ. Nhưng qua lời kể của cha ông truyền lại, các hình tượng trên chiếc mặt nạ dường như trở nên sống động hơn bởi mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng.
Đăng thảo luận