(NLĐO) - Việc phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn bởi sự vô giá của di tích này.
Trong suốt 20 năm (2002 - 2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam đã thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ tại Hà Nội. Nhiều dấu tích kiến trúc cùng hệ thống di tích, di vật đã phát lộ. Đây là minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội và Việt Nam trong suốt 13 thế kỷ, từ thời kỳ tiền Thăng Long đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn và thời kỳ cận hiện đại.
Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Pho sử sống nhiều triều đại
Hơn một thế kỷ qua, việc nghiên cứu lâu dài đã thống nhất được tương đối cấu trúc và quy mô của Kinh đô Thăng Long thời Lý.
Tuy nhiên, theo PGS Tống Trung Tín, người chủ trì nhiều cuộc khai quật lớn ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trước năm 2002, nhìn chung các ý kiến về vị trí chính xác của Hoàng thành Thăng Long và Cấm thành Thăng Long thời Lý chỉ là phỏng đoán. Từ cuối năm 2002, khi cuộc khai quật khảo cổ học với quy mô lớn tại 18 Hoàng Diệu (Ba Ðình) được tiến hành thì các bí ẩn và vị trí Hoàng thành Thăng Long thời Lý mới xác định được tương đối chính xác ở vào khoảng khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Từ các cuộc khai quật đã bước đầu phát hiện một hệ thống các dấu tích kiến trúc thời Lý, gồm: 79 dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, tường vây, đường đi; 7 giếng nước; 15 cống thoát nước, đường nước lớn; 1 dấu tích kiến trúc dạng "bể nước".
Các phát hiện khảo cổ đã chứng minh 3 vòng thành của Thăng Long thời Lý đến thời Trần còn tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, quần thể kiến trúc cung điện đồ sộ của kinh đô cuối thời Lý cũng đã bị phá hủy rất nhiều bởi nội chiến. Tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Trần, khảo cổ học đã xác định được hơn 30 dấu tích kiến trúc, tường bao, 2 giếng nước, 10 cống nước… Khảo cổ học cũng đã xác định dấu tích kiến trúc thời Trần ở các địa điểm 62 - 64 Trần Phú, Nam Giao, Xã Tắc… Có thể thấy trên cơ sở kiến trúc Thăng Long thời Lý, thời Trần chỉ việc tôn cao thêm lên hoặc gia cố thêm trên các móng nền của di tích Lý, thậm chí dựng lại luôn vị trí của nền móng cũ như việc sử dụng lại kiến trúc Bát Giác thời Lý.
PGS Tống Trung Tín cũng cho hay, cấu trúc Thăng Long buổi đầu thời Lê sơ dường như còn mang ảnh hưởng rất đậm của truyền thống quy hoạch Thăng Long thời Lý và thời Trần. Do tầng văn hóa nằm trên lớp văn hóa thời Trần cho nên các dấu tích kiến trúc thời Lê sơ về cơ bản đã bị phá hủy bởi các hoạt động xây dựng của các thời sau. Mặc dù vậy, trong khu di tích vẫn phát hiện được một số dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, khu Chính điện Kính Thiên và một số địa điểm khác…
Khôi phục điện Kính Thiên
Từ sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (năm 2010), để thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tiến hành các cuộc nghiên cứu khảo cổ học trên tổng diện tích 8.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên. Trong tầng văn hoá tại khu vực này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú, dày đặc phát triển liên tục từ thời kỳ Tiền Thăng Long (Đại La - Đinh - Tiền Lê) đến thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn.
Nền móng cung điện phát lộ trong quá trình khai quật khu vực đền Lê (vua Lê Đại Hành) Ảnh: Hiệp Trịnh
Trong quy hoạch kinh đô của các nước quân chủ phương Đông xưa đều có một tòa điện trung tâm để làm nơi thiết triều hay tiến hành các nghi lễ quan trọng bậc nhất liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, dấu tích chính điện Kính Thiên rất khó nhận biết. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có thể nhận thấy điều đó qua phần nền móng kiến trúc tại phía nam khu vực trung tâm, nơi có 9 bậc thềm rồng được chạm khắc tinh vi mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Bộ thành bậc điện Kính Thiên đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Việc phát hiện nền móng kiến trúc là yếu tố tiên quyết trong việc nghiên cứu phục dựng kiến trúc chính điện Kính Thiên. Dựa vào các di vật như mảnh vỡ các tầng mái, các cấu kiện gỗ, gạch ngói, các tư liệu ghi lại hình thái kiến trúc và so sánh, đối chiếu với không gian chính điện của các kinh đô khác như Nara, Kyoto (Nhật Bản), Bách Tế (Hàn Quốc), Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) hay Chính điện Thái Hòa (Thừa Thiên Huế), các nhà khoa học đã xác định được cấu trúc không gian và hiểu biết bước đầu về kiến trúc của chính điện Kính Thiên. Cũng giống như chính điện của các kinh đô khác ở khu vực Đông Á, không gian chính điện Kính thiên được thiết kế theo công thức phổ quát: Cổng - sân Đại triều - điện; cụ thể là Đoan Môn - sân Đan Trì - điện Kính Thiên.
TS Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đánh giá tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội ở khu vực điện Kính Thiên đầy đủ nhất so với các vị trí khai quật khác. Các cuộc khai quật ở đây đã phát lộ tổ hợp kiến trúc lớn, góp nguồn tư liệu quyết định mang tính xác thực cao trong việc nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên.
Di tích khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1-8-2010.
Nhận xét về Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, bà Irana Bokova, tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 2009 – 2017, đã nhận định về Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: "Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian".
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao Khu di tích Hoàng thành Thăng Long về tính liên tục, lâu dài. "Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất"- ông Christian Manhart nhấn mạnh.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3-2023
Đăng thảo luận