(NLĐO) - Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh hiện đã có gió mạnh cấp 6-7, giật trên cấp 8, nhiều nơi mưa xối xả, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Clip: Mặc dù sóng bắt đầu to, gió giật từng cơn nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi ra bờ biển nhặt củi
Sáng 19-9, thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh cho biết khu vực phía Nam Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tại hồ Mạc Khê: 98,8mm; Kỳ Giang: 67,6mm; Kỳ Lâm: 66,4mm; Kỳ Thượng: 63,4mm; Kỳ Phong 60,8mm…
Mưa lớn, độ ẩm đất bão hòa, do vậy khu vực Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Dự báo biên độ lũ ở thượng lưu các sông từ 4-7m, hạ lưu sông La từ 1-3m, mực nước đỉnh lũ trên các sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, sông La ở mức báo động 1.
Nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở Hà Tĩnh
Theo khuyến cáo, ngập lụt có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét, sạt lở đất trên các sườn dốc ở vùng núi, đặc biệt là tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh…
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, trong sáng nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này mưa trắng trời.
Người dân bất chấp nguy hiểm ra bờ biển nhặt củi
Có mặt tại bãi biển Vũng Áng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, cho thấy bắt đầu có sóng to, gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão số 4. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi ra bờ biển để lượm nhặt củi, rác bị sóng đánh tấp vào bờ.
Để đảm bảo an toàn trong mưa bão, trước đó người dân đã chủ động chằng chống nhà cửa, hàng quán cẩn thận.
Sóng bắt đầu to, gió giật từng con trên vùng biển Vũng Áng
Ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết toàn xã hiện có hơn 700 tàu thuyền công suất các loại, đến thời điểm này đều đã vào nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Địa phương cũng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa bão để tránh thiệt hại nếu bão đổ bộ vào địa bàn.
Bão số 4 mạnh thêm vào Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, mưa rất to tới 500 mm
Bên cạnh đó, các địa phương ở Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn.
Hiện nay, công tác ứng phó với mưa lũ ở tỉnh Hà Tĩnh đang được các sở, ngành, địa phương và người dân tập trung thực hiện theo phương án "4 tại chỗ", nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại, rủi ro do mưa lũ gây ra.
Đăng thảo luận