(NLĐO) - Chính phủ đồng ý cho Khánh Hòa dừng sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), sử dụng vốn ngân sách để làm 3 dự án phát triển cơ sở hạ tầng với tổng vốn 4.200 tỉ đồng.

Theo đó, ngày 19-9, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương dừng sử dụng vốn vay của WB cho Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (dự án IRDP) như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác thay thế vốn vay của WB và thực hiện thủ tục lập, phê duyệt dự án mới theo quy định. Những dự án này để đầu tư xây dựng các hạng mục: Xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh, sông và thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải khu vực Tây TP Nha Trang; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực TP Cam Ranh; xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ đại lộ Nguyễn Tất Thành đến đường Võ Nguyên Giáp, bảo đảm tổ chức triển khai và hoàn thành dự án theo đúng quy định của pháp luật.

  •  Khánh Hòa dùng 4.200 tỉ đồng ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng 第1张

    Khánh Hòa: Dùng ngân sách "cứu" dự án bị Ngân hàng Thế giới rút vốnĐỌC NGAY

Trước đó, trong báo cáo của Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ thì UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc vay vốn IBRD (tổ chức thuộc WB cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển có thu nhập trung bình- PV) không còn cần thiết do 2 nguyên nhân.

Cụ thể, từ phía WB là sự khác biệt trong quy định của Việt Nam và WB về đền bù, tái định cư dẫn đến sự so bì và mâu thuẫn giữa các hộ dân, hộ hợp tác, sự lợi dụng chính sách của người dân để trục lợi, sự khiếu nại vượt cấp của người dân. Ngoài ra, lãi suất vốn IBRD không còn rẻ, trong khi ngân sách địa phương có khả năng cân đối đầu tư một số hạng mục thuộc Dự án theo lộ trình và mức độ ưu tiên.

Từ phía Việt Nam là việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần xin ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị dẫn đến kéo dài thời gian. Trong khi đó, hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Khánh Hòa dùng 4.200 tỉ đồng ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng 第2张

Bờ kè sông Cái, TP Nha Trang còn dang dở

Hiện nay, UBND tỉnh có văn bản giao Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh chủ trì tổ chức thanh lý hợp đồng tư vấn chuẩn bị dự án, tham mưu báo cáo phương án triển khai các hạng mục của dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về phương án triển khai đầu tư các hạng mục của dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ban quản lý cũng kiến nghị tách các hạng mục của dự án thành 3 dự án độc lập được triển khai đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công.

Dự án Xây dựng hệ thống kè sông thoát lũ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực phía Tây TP Nha Trang có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng. Ban quản lý đề xuất cơ quan lập chủ trương đầu tư dự án là UBND TP Nha Trang; thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2024 - 2028.

Dự án Xây dựng đường Vành đai 3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với đại lộ Nguyễn Tất Thành, có chiều dài toàn tuyến khoảng 6km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỉ đồng; thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2027; đề xuất Sở Giao thông vận tải là cơ quan lập chủ trương đầu tư.

Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm TP Cam Ranh có tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỉ đồng. Ban quản lý đề xuất cơ quan lập chủ trương đầu tư dự án là UBND TP Cam Ranh; thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2028.

Tổng mức đầu tư 3 dự án nói trên khoảng 4.200 tỉ đồng.