Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương xác minh thông tin các sắc phong của Việt Nam được rao bán tại Trung Quốc

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy đề xuất hồi hương các sắc phong bằng con đường ngoại giao.

Nhiều cổ vật bị đánh cắp

Website của công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn" vừa đăng tải thông tin là vào 9 giờ 30 phút ngày 22-4 tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi "Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" (ký hiệu phiên đấu giá S23041). Trên trang đăng bán đấu giá, một số hiện vật được mô tả là các sắc phong dưới triều Nguyễn Việt Nam, ví dụ hiện vật số 2184 có hình tứ linh bạc, dấu triện đỏ, "được bảo quản tốt, có thể gọi là hàng hiếm" với giá đề nghị khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng).

 Sắc phong bị rao bán tại Trung Quốc: Hồi hương bằng con đường ngoại giao? 第1张

Sắc phong nghi là tài sản bị đánh cắp tại di tích đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được rao bán trên trang web Trung Quốc .Ảnh: TƯ LIỆU

Ông Trần Ngọc Đông - thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt, cũng là người phát hiện vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên sàn đấu giá cổ vật của Trung Quốc - cho hay đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị mất cắp 39 sắc phong vào tháng 5-2021. Ngoài ra, làng Bạch Xá (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) từng bị mất 15 sắc; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị mất 10 sắc… Hầu hết đều bị mất trong khoảng vài năm trở lại đây. "Có những sắc phong vừa bị mất hồi tháng 4 thì tháng 8 đã xuất hiện trên các trang rao bán cổ vật của Trung Quốc" - ông Trần Ngọc Đông cho biết.

Liên quan đến các sắc phong được cho là của đền Quốc Tế đang bị rao bán, trao đổi với báo chí ngày 13-4, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết sau khi nhận được thông tin về phiên đấu giá có đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam, gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các cấp liên quan trong tỉnh để xác minh thông tin.

"Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ, đề nghị Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ thống nhất để xác minh thông tin trang mạng rao bán sắc phong thật hay giả. Nếu là sắc phong thật, chúng tôi đề xuất bằng con đường ngoại giao, thông qua Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, chúng tôi hy vọng có sự can thiệp, ngăn chặn việc bán đấu giá này. Lực lượng Công an tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Công an về phương án xử lý các hiện vật bị đánh cắp" - ông Nguyễn Đắc Thủy thông tin.

Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, sắc phong tại đền Quốc Tế bị đánh cắp từ ngày 21-5-2021, kẻ gian đã phá két sắt lấy toàn sắc phong của đền. Công an huyện đã lập hồ sơ gửi cấp trên để điều tra nhưng đến nay chưa tìm được dấu tích. Sau khi xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật trong di tích, Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ đã có văn bản khuyến cáo tất cả địa phương có di tích, nhất là có sắc phong, các di vật cổ vật, có biện pháp bảo quản an toàn, tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng những sơ hở của ban quản lý di tích để đánh cắp những cổ vật có giá trị.

"Sắc phong được rao bán tại Trung Quốc nếu đúng là tài sản đã bị mất cắp của đền Quốc Tế, những người liên quan sẽ được xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Về phía nước bạn, cần có sự hợp tác quốc tế để xác minh nguồn gốc sắc phong này" - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ cho hay.

Sớm đưa sắc phong về nước

Trả lời câu hỏi về việc việc đưa sắc phong về nước, ông Nguyễn Đắc Thủy cho rằng phải có sự phối hợp và ứng xử phù hợp với từng di sản. Để có thể đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên để có phương án cụ thể đối với từng di vật mất cắp. Có thể mua hay chuộc lại những vật phẩm như ấn vàng, bình cổ. Đối với sắc phong của các triều đình phong kiến không thể mua như một món hàng mà phải xử lý theo hình thức phù hợp khác.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) Lê Thị Thu Hiền đã ký Công văn số 309/DSVH-DT gửi lãnh đạo ngành văn hóa các tỉnh, thành gồm Phú Thọ, Bắc Ninh, TP Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời thu thập, cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản, hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp), báo cáo UBND tỉnh, thành và Bộ VH-TT-DL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.

Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các sở phối hợp chặt chẽ với cục trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương. Báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17-4 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

"Theo nhà nghiên cứu dân tộc học - PGS-TS Bùi Xuân Đính, hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ đầu thập niên 1990.

Sắc phong là các văn bản viết trên giấy sắc, có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là đạo sắc.

Cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, gia phả, thần phả, truyền thuyết địa phương, sắc phong là tư liệu chữ viết quan trọng, tin cậy trong nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử làng xã nói riêng. Không chỉ có những giá trị quý báu trên phương diện tư liệu, sắc phong còn là di sản vô giá của địa phương, dòng họ do tính độc bản, duy nhất (mỗi làng hay mỗi người được phong sắc chỉ được nhận một bản).

Sắc phong là niềm tự hào, mang tính thiêng liêng với mỗi làng và cá nhân người được phong sắc; được giữ gìn rất cẩn thận qua nhiều thế kỷ.