Tham dự buổi tọa đàm có sinh viên Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng GS Klaus Schwab (ngồi thứ 2 từ phải qua) giao lưu cùng sinh viên. Ảnh: Như Ý
Đây là một sự kiện thú vị, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam sau 15 năm của GS Klaus Schwab nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó của sinh viên, thanh niên Việt Nam.
Theo đó, cuộc trao đổi tập trung vào những xu thế định hình kỉ nguyên thông minh của nhân loại; cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỉ nguyên phát triển mới; yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ để nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Như Ý
Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng hiện nay, mọi người đang sống trong kỉ nguyên mà các công nghệ mới, trí thông minh nhân tạo đã thay đổi căn bản cách sống, học tập và làm việc.
Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới trong kỉ nguyên này. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục và định vị Việt Nam là một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực. Điều đó đòi hỏi phải có một lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đương đầu với những thách thức của thời đại mới.
Nhắn nhủ tới sinh viên – thế hệ nắm giữ tương lai của đất nước, những người tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và định hình vị thế của Việt Nam trong kỉ nguyên thông minh, ông Quân mong các em hãy trang bị cho mình không chỉ kiến thức mà còn tinh thần học hỏi không ngừng, sáng tạo và khát khao vượt qua mọi khó khăn. Ông tin những chia sẻ của GS Klaus Schwab về những xu hướng phát triển kinh tế và công nghệ sẽ mở ra cho sinh viên Việt Nam một tầm nhìn mới về vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước và thế giới.
Lợi thế của Việt Nam
Tại chương trình, GS Klaus Schwab chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam.
Có thể kể đến đó là: sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội. Chủ tịch WEF nhấn mạnh, sinh viên, thanh niên là tương lai của Việt Nam và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của họ. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.
GS Klaus Schwab giao lưu với sinh viên. Ảnh: Như Ý
GS Klaus Schwab cũng đưa ra những gợi ý để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội phía trước để tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, WEF đang nỗ lực cung cấp các nguồn lực và kết nối cần thiết để các quốc gia như Việt Nam phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng số và chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với những thách thức phía trước.
Nhưng ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người. Theo GS Klaus Schwab lợi thế thực sự của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào xây dựng được nền kinh tế tri thức, không chỉ bao gồm các kĩ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị - tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển bao trùm.
Ảnh: Như Ý
Phần giao lưu hỏi đáp giữa GS Klaus Schwab với sinh viên cũng giúp làm rõ vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong kỉ nguyên thông minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Cùng tham gia chia sẻ và giao lưu với sinh viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình và đánh giá cao những thông tin quý báu và sâu sắc từ GS Klaus Schwab. Nhất trí với GS Klaus Schwab về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập “kỉ nguyên thông minh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kỉ nguyên thông minh phải là kỉ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và quan trọng hơn hết là làm cho mỗi người thấy hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn và năng suất hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kỉ nguyên thông minh cũng mang trong mình nội hàm của một kỉ nguyên kiến tạo, là thời kì của những biến động, chuyển đổi mang tính thời đại; thời kì của thách thức và vận hội mà mỗi lựa chọn sẽ quyết định sự phát triển hay tụt hậu của các quốc gia.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển như Việt Nam trong bối cảnh này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, giai đoạn tới đây có ý nghĩa quyết định để Việt Nam định vị quốc gia trên bản đồ phát triển của thế giới. Những thành tựu rất đáng tự hào có được là kết tinh những nỗ lực của toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; là sự tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của các thế hệ cha ông. Với thế và lực như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào vị thế, vai trò trong kỉ nguyên thông minh.
Xem nhiềuGiáo dục
Nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng gãy đốt sống cổ
Giáo dục
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Giáo dục
Hà Nội yêu cầu siết chặt quản lý điện thoại trong trường học
Giáo dục
Nữ sinh lớp 6 xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Anh trên toàn cầu
Giáo dục
Đăng thảo luận