(NLĐO) - Phân tích mới dựa trên bộ dữ liệu của tàu thám hiểm Mặt Trăng Pragyan của Ấn Độ đã đem lại nhiều bất ngờ mới.

Pragyan là tàu đổ bộ dạng xe tự thành được tàu mẹ Chandrayaan-3 thả xuống trong sứ mệnh cùng tên năm 2023. Cho đến nay, Pragyan đã ngủ đông được 11 tháng ở Mặt Trăng và không thể thức dậy.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học ở Trái Đất vẫn không ngừng phân tích bộ dữ liệu thú vị mà nó thu thập trong thời gian hoạt động ngắn ngủi.

 Tàu Ấn Độ phát hiện một “đại dương tử thần” ở Mặt Trăng 第1张

Mặt Trăng sơ khai có một đại dương magma toàn cầu - Ảnh đồ họa: NASA

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature đã tiết lộ về một "đại dương tử thần". Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu vật lý (PRL - Ấn Độ), phép đo của Pragyan đã tiết lộ hỗn hợp đặc biệt của các nguyên tố hóa học trong đất Mặt Trăng (regolith) xung quanh tàu đổ bộ tương đối đồng đều.

Regolith này chủ yếu được tạo thành từ một loại đá trắng gọi là ferroan anorthosit. Có một điểm đặc biệt, mẫu đất Pragyan lấy lên ở khu vực cực Nam của Mặt Trăng này có thành phần "nằm giữa" thành phần 2 mẫu khác được từ 2 địa điểm vùng xích đạo mà tàu Apollo 16 của Mỹ và Luna-20 của Liên Xô đã thu thập năm 1972.

Điều này có nghĩa dù có chút khác biệt, đất Mặt Trăng vẫn có sự tương đồng lớn về mặt hóa học ở cực Nam và xích đạo. Điều này củng cố ý tưởng về một đại dương toàn cầu từng bao phủ bề mặt thiên thể khi nó còn "sơ sinh".

Nhưng đại dương này không giống với những gì chúng ta thấy trên Trái Đất hiện tại, mà giống với địa cầu thuở sơ khai hơn: Đó là một đại dương magma, tức "nước" toàn là đá nóng chảy.

Giả thuyết về đại dương magma toàn cầu của Mặt Trăng đã có từ lâu, gọi là "Mô hình đại dương magma Mặt Trăng (LMO)". Đây sẽ là bằng chứng rõ ràng, cho thấy nó thực sự đã tồn tại.