Những năm qua, ngành du lịch Tây Ninh đã phục hồi và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngành du lịch Tây Ninh đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch hiện có, phát triển liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Là một trong 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước, Tây ninh nổi tiếng với với núi Bà Đen được mệnh danh “nóc nhà Nam Bộ;” nếu nói điểm đặc sắc của Bà Rịa-Vũng Tàu là “xuống biển,” điểm đặc sắc của Tây Ninh chính là “lên rừng.”
Tây Ninh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử-văn hóa, từ Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát… Cao điểm mùa khô Đông Nam Bộ, có thời điểm nắng nóng 39-40 độ C, nhưng nhiệt độ trên đỉnh núi Bà Đen luôn thấp hơn 8-10 độ C, như là một thế giới khác. Có đường biên giới gần 240km với Vương quốc Campuchia cùng 16 cửa khẩu, cũng là một lợi thế để địa phương này phát triển du lịch.
Về văn hóa, ẩm thực, từ nhiều năm nay Tây Ninh đã nổi danh với những món ăn tưởng là giản dị, nhưng lại được rất nhiều người thực sự “hâm mộ,” như bánh tráng trộn, bánh tráng phơi sương, bò tơ, bánh canh, muối ớt, các món chay... Năm 2023, nghề làm muối ớt và nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh, tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng; trong đó có 1 Di tích Quốc gia Đặc biệt, 27 Di tích Quốc gia, 68 Di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Đỉnh núi Bà Đen hút khách du lịch với nhiều công trình gây dấu ấn. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
Đăng thảo luận