Có nên ăn chuối khi đói?
Chuối là loại quả giàu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, ăn chuối khi đói lại là một sai lầm tai hại. Chuối chứa hàm lượng magie cao. Khi ăn chuối lúc bụng rỗng, magie sẽ đột ngột tăng cao trong máu, gây mất cân bằng khoáng chất, ảnh hưởng đến tim mạch.
Hơn nữa, chuối chứa nhiều đường, kích thích dạ dày tiết acid, gây ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, lâu dần có thể dẫn đến viêm loét dạ dày. Vì vậy, bạn ăn chuối sau bữa ăn 1 - 2 tiếng, hoặc kết hợp với các loại thực phẩm khác để giảm tác động tiêu cực lên dạ dày.
Ăn hồng khi đói có nguy hiểm?
Hồng là loại quả được ưa chuộng bởi vị ngọt thơm ngon. Thế nhưng, hồng lại chứa nhiều tanin và pectin. Khi ăn hồng lúc đói, các chất này kết hợp với acid dạ dày tạo thành khối kết tủa cứng, giống như "viên sỏi" trong dạ dày.
Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn dạ dày, gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi dạ dày có thể gây ra tắc nghẽn nghiêm trọng, buộc bệnh nhân phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nhiều loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng tuyệt đối không nên ăn vào lúc bụng đói. Ảnh: Getty Images
Trái cây họ cam, quýt
Cam, quýt là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, ăn cam, quýt khi đói lại khiến dạ dày "bội thực" acid. Cam, quýt chứa nhiều acid citric và acid ascorbic. Khi ăn lúc đói, các acid này kích thích niêm mạc dạ dày, gây ợ chua, nóng rát, đau thượng vị, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
Người bệnh dạ dày nên tránh ăn cam quýt khi đói, vì lượng axit trong cam quýt có thể làm tình trạng viêm loét trở nên tồi tệ hơn, gây đau rát và khó chịu. Do đó, chỉ nên ăn cam, quýt sau bữa ăn 1 - 2 giờ; uống nước cam, quýt pha loãng đồng thời, hạn chế ăn cam, quýt vào buổi tối.
Dứa
Dứa chứa bromelain, một loại enzyme có tác dụng phân giải protein. Ăn dứa khi đói khiến bromelain "tấn công" niêm mạc dạ dày, gây tổn thương, viêm loét. Điều này gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ợ chua, tiêu chảy và đặc biệt nguy hiểm với người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người có hệ tiêu hóa yếu.
Để giảm thiểu tác hại, nên ăn dứa sau bữa ăn chính khoảng 2 - 3 giờ, khi thức ăn đã được tiêu hóa một phần. Nên cắt nhỏ dứa, loại bỏ phần lõi cứng và ngâm trong nước muối loãng trước khi ăn để giảm bớt lượng bromelain. Nếu bạn muốn bổ sung vitamin C, có thể thay thế dứa bằng các loại trái cây khác như cam, bưởi, kiwi nhưng cũng nên ăn sau bữa ăn.
Vải thiều
Ít người biết rằng việc ăn vải thiều khi đói có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Lượng đường lớn trong vải thiều sẽ khiến đường huyết tăng đột ngột, sau đó giảm nhanh chóng, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu.
Đường trong vải thiều khi vào dạ dày trống rỗng sẽ lên men nhanh chóng, sản sinh ra khí, gây đầy hơi, chướng bụng và khó chịu. Để tránh những rắc rối này, bạn nên ăn vải thiều sau bữa ăn chính, khi dạ dày đã có thức ăn.
Đăng thảo luận