Kể từ khi cuốn truyện tranh Đôrêmon đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam năm 1992 tới 1995, 78 tập đều không có bản quyền, nội dung lẫn hình ảnh đã biên tập khác bản gốc, tạo ra những cuốn Đôrêmon độc nhất vô nhị.
Triển lãm thu hút đông người tham quan trong những ngày diễn ra - Ảnh: T.ĐIỂU
Thông tin thú vị với những độc giả say mê bộ truyện tranh Nhật Bản về chú mèo máy thông minh đáng yêu Doraemon, được giới thiệu trong triển lãm Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam đang diễn ra tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam, Hà Nội).
Triển lãm do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, NXB Kim Đồng và Lân Tinh Foundation tổ chức, thu hút đông người xem.
Điều đặc biệt ở triển lãm này là nhiều gia đình hai thế hệ bố mẹ với con cái cùng mê truyện tranh Doraemon nên cùng nhau đến xem.
Nhiều bố mẹ rưng rưng khi nhìn thấy những bản Đôrêmon cũ kỹ thuở nhỏ họ từng say mê. Họ tự hào khoe các con, xưa họ đã đọc những truyện này.
Tại triển lãm, câu chuyện về "lịch sử" hơn 30 năm bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon vào Việt Nam đầy hấp dẫn được kể lại qua nghiên cứu của giám tuyển ChuKim.
Cảnh các công ty sách săn đón truyện Đôrêmon khi ra mắt
Đôrêmon không bản quyền thành hiện tượng xuất bản
Năm 1990, ông Nguyễn Thắng Vu - giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ - biết đến bộ truyện tranh Doraemon của Nhật Bản rất thành công ở châu Á.
Ban biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng đã quyết định dịch và biên tập những cuốn truyện tranh này.
Tất nhiên kế hoạch trên hoàn toàn do Kim Đồng tự quyết, không có thỏa thuận vào về bản quyền với tác giả Fujiko F. Fujio.
Năm 1992, họa sĩ Bùi Đức Lâm được Nhà xuất bản Kim Đồng lựa chọn hợp tác biên tập nội dung và hình ảnh của bộ truyện.
TIN LIÊN QUANConan đạt 100 tỉ đồng doanh thu phòng vé nhưng khó qua được Doraemon
Loạt bảo bối của Doraemon thành hiện thực ở thế kỷ 21 (P3)
Ngày 11-12-1992 là ngày phát hành tập 1 có tên Chiếc khăn biến hóa, trở thành ngày đầu tiên Đôrêmon đến Việt Nam.
Bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko F. Fujio vốn đã lừng danh khắp châu Á từ những năm đầu thập niên 1970, ngay lập tức tạo cơn sốt khắp Việt Nam.
Đôrêmon in hàng chục vạn bản mỗi tập, tập mới ra đều đặn hằng tuần, hệ thống phân phối hoạt động sôi nổi từ Nam ra Bắc, người lớn trẻ con luôn mong ngóng đến ngày các điểm phát hành của Nhà xuất bản Kim Đồng bày bán tập tiếp theo.
Mùa hè năm 1993, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành những tập truyện dài đầu tiên như Lâu đài dưới đáy biển, Cuộc phiêu lưu vào lòng đất, Pho tượng thần khổng lồ, bên cạnh các tập truyện ngắn ra hàng tuần.
Ngày 17-2-1995, đánh dấu việc Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tập Đôrêmon cuối cùng dưới dạng số đúp gồm hai tập 77 và 78, kết thúc giai đoạn phát hành không bản quyền.
Đây là tập Đôrêmon đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam tháng 12-1992 - Ảnh: T.ĐIỂU
Từ Đôrêmon đến Doraemon
Tháng 1-1996, tác giả Fujiko F. Fujio đến Việt Nam hoàn tất thủ tục ký kết bản quyền xuất bản bộ truyện tranh Doraemon.
Kim Đồng trở thành nhà xuất bản duy nhất được trao quyền xuất bản tiếng Việt của tất cả các ấn bản truyện Doraemon tại Việt Nam.
Cùng với tiền bản quyền cho những tập sắp ra mắt, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng trả tiền bản quyền những tập Đôrêmon đã xuất bản không có bản quyền trước đó.
Tác giả Fujiko F. Fujio và Nhà xuất bản Shogakukan đã ủng hộ toàn bộ số tiền này để thành lập Quỹ hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em Việt Nam mang tên Đôrêmon do Nhà xuất bản Kim Đồng khởi xướng.
Trưng bày những cuốn truyện tranh Đôrêmon đầu tiên chưa có bản quyền - Ảnh: T.ĐIỂU
Năm 1998, Đôrêmon được tái bản lần thứ nhất, trở thành bộ truyện tranh ngoại nhập đầu tiên có bản quyền tại Việt Nam.
Lần in này sử dụng tranh bìa theo bản gốc tiếng Nhật, nhưng vẫn giữ tên nhân vật theo bản in năm 1992 là Đôrêmon và nội dung được dịch phù hợp với độc giả Việt Nam lúc đó, không thật sát với bản gốc.
Tên Đôrêmon được Nhà xuất bản Kim Đồng giữ tới tận năm 2010 mới thay bằng tên Doraemon với bản dịch bám sát theo bản gốc tiếng Nhật cùng quy cách, định dạng và hình thức đọc sách từ phải qua trái như bản gốc.
Bé gái đi xem triển lãm Doraemon còn mang theo một tập để đọc tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Đăng thảo luận