Công việc chính của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con tôi là mua quà 'tri ân' giáo viên, hoa tặng trường, tổ chức liên hoan, ăn uống...

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, các trường công lập thường sẽ có hai kênh thông tin là website trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục & Đạo tạo, và nhóm chat Zalo để liên lạc với phụ huynh. Nhiều trường còn sử dụng sổ liên lạc điện tử, như trường con tôi thu 180.000 đồng mỗi năm học cho ứng dụng này. Trong hai năm gần đây, một số trường mở thêm kênh YouTube và TikTok để tăng thêm tương tác với phụ huynh, học sinh.

Qua thời gian đại dịch, hầu như các trường, giáo viên, phụ huynh đã sử dụng thành thạo hơn các công cụ online vì phải giảng dạy trực tuyến. Những năm học vừa qua, hồ sơ học sinh đầu cấp cũng nộp trực tuyến là chủ yếu. Như vậy, có thể thấy việc kết nối thông tin giữa nhà trường và phụ huynh đã mở rộng, thuận tiện hơn rất nhiều, chủ yếu là online. Tuy nhiên, tôi thấy, cho đến nay, các tương tác này vẫn một chiều là chính.

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là phối hợp với giáo viên, tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh; tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý, giáo dục các em, để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đạo đức, chất lượng dạy học...

Tuy nhiên, trong thực tế, tôi nhận thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thường là do giáo viên gợi ý chọn những người có kinh tế khá giả, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi đề xuất thu quỹ của nhà trường, sốt sắng vận động phụ huynh đóng góp, chứ ít thấy phản biện các khoản thu không hợp lý. Hoạt động chính của họ là tất bật mua quà "tri ân" tặng giáo viên, tổ chức liên hoan, ăn uống... Còn những phản ánh về bữa ăn bán trú dở, về những giờ học không chất lượng, về việc ép đăng ký những môn ngoài... thì Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp "im re".

Việc thu tiền quỹ phụ huynh cũng gây áp lực lên không ít gia đình khi Ban đại diện cha mẹ học sinh liên tục công bố danh sách những phụ huynh đã nhiệt tình đóng góp. Gọi là "tự nguyện" nhưng thực tế lại chẳng khác nào là ép buộc, bởi ai không đóng góp sẽ liên tục bị đưa ra thông báo nhắc nhở (trừ những người thực sự khó khăn). Đáng lẽ, đã là tự nguyện, tức là bất kể hoàn cảnh như thế nào, chúng tôi cũng có quyền lựa chọn đóng hoặc không, chứ sao lại phải trình bày hoàn cảnh để được xem xét miễn trừ?

>> Trưởng ban phụ huynh năn nỉ đóng quỹ lớp 300.000 đồng

Ngoài khoản in ấn, photo bài tập, tài liệu học tập khoảng một triệu đồng mỗi năm, tôi thấy hầu như các khoản đề nghị chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh đều không liên quan trực tiếp đến việc học của các con ở trường. Đó là hàng loạt các khoản chi như: mua hoa, cây cảnh cho trường; mua rèm cửa cho lớp; đóng tủ gỗ; sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc; lát gạch lớp học; sơn tường; mua máy lạnh; mua máy chiếu; nâng cấp wifi; lắp bảng thông báo điện tử...

Có năm, tôi đưa con đến trường học hè, thấy tận mắt trường mua sơn về tô vẽ khắp các hành lang, mảng tường bên ngoài bằng những hình ảnh đủ màu sắc sẵ sỡ, nhưng không hề sơn sửa gì trong lớp học, để mặc kệ tường lớp dơ bẩn, cốt là để đầu năm còn vận động phụ huynh đóng góp mua gạch về lát cho sạch hoặc sơn mới lại.

Những tiếng nói phản biện ít ỏi của phụ huynh dường như không được nhà trường lắng nghe. Giáo viên thì khó chịu với những phụ huynh lên tiếng phản đối, chỉ khen ngợi các phụ huynh mau lẹ góp tiền vào quỹ, góp càng nhiều lại càng được tuyên dương, tạo ra áp lực, mặc cảm cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ít đóng góp.

Với những kênh thông tin đa dạng từ website, Facebook, Zalo, email, sổ liên lạc điện tử... tôi tin việc nhà trường công khai các thông báo cũng như trao đổi hai chiều với phụ huynh rất dễ dàng, thuận tiện, minh bạch. Do đó, trong bối cảnh mới hiện nay, tôi cho rằng không cần vai trò hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây chính là sự tích cực của thời đại công nghệ số.

Mạnh Cường