Xoá nghèo ở miền núi
Hiện nay, ngành Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Định đang phối hợp với các địa phương giải quyết các chiều thiếu hụt, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Những ngày qua, gia đình chị Đinh Thị Liễu, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định rất vui mừng vì căn nhà cấp 4 vừa xây xong. Gia đình chị Liễu thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, gia đình chị Đinh Thị Liễu được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Từ số tiền được Nhà nước hỗ trợ, gia đình chị đã bỏ thêm 200 triệu đồng dành dụm được để xây căn nhà cấp 4 khang trang.
Theo chị Đinh Thị Liễu, có nhà mới, gia đình chị sẽ mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập và thoát nghèo.
"Nhà nước hỗ trợ bò, tôi được học nghề và được sửa lại nhà. Sửa được ngôi nhà cũng nhờ vào Nhà nước và sự tích góp từ gia đình và sự hỗ trợ công từ hàng xóm.
Trước đây, tôi được cho đi học nghề chăn nuôi. Sắp tới tôi tận dụng nghề đã học vào trong sản xuất để nuôi thêm vào con heo và mấy con bò để nâng cao thu nhập cho gia đình. Gia đình tôi cố gắng thoát nghèo và không tái nghèo nữa", chị Liễu nói.
An Lão là huyện vùng cao và là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Bình Định. Tính đến cuối năm 2023, huyện An Lão còn 2.083 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,69%. UBND huyện An Lão đã triển khai kế hoạch đề án thoát nghèo, kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2024 - 2025.
Huyện này cũng giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng xã, thị trấn; kịp thời điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp. Từ đầu năm đến nay, huyện An Lão đã đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương; hỗ trợ đi xuất khẩu lao động cho 9 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 241 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi. Các địa phương của huyện An Lão tập trung thực hiện các dự án và giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2024.
Những căn nhà khang trang giúp người dân ổn định cuộc sống tại miền núi Bình Định. Ảnh: DT.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện An Lão cho biết, khi rà soát hộ nghèo từng địa phương bám vào các chiều thiếu hụt và có hỗ trợ phù hợp.
"Theo chương trình giảm nghèo bền vững thì hỗ trợ sản xuất theo cộng đồng là chính. Có vốn về, các xã lấy ý kiến người dân trong cộng đồng đó thích nuôi còn gì, trồng cây gì mới bắt đầu xây dựng dự án gửi về UBND huyện. Huyện có ý kiến thẩm định và xã tự quyết định mua sắm qua các hình thức mua trong dân và mua qua đấu thầu tùy theo quy định để thực hiện", bà Hằng nói.
Vẫn theo bà Hằng, kinh phí từ nguồn giảm nghèo bền vững thì hỗ trợ không có định mức, chỉ mức hỗ trợ dự án chớ không có nói là hỗ trợ cho một hộ bao nhiêu. Qua giám sát thì dự án hỗ trợ con trâu, con bò phát triển tốt phù hợp với địa phương.
Không giảm nghèo chỉ bằng nghị quyết, kế hoạch
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, vấn đề lớn nhất trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là giải quyết việc làm và nâng thu nhập của người dân. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Các huyện miền núi đang tập trung giao đất cho hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.
Các khu tái định cư ở huyện miền núi An Lão, Bình Định. Ảnh: DT.
Tỉnh Bình Định hiện còn 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu do các hộ không có đất, vốn, công cụ, phương tiện sản xuất, thiếu lao động và kiến thức về sản xuất. Tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 6% và huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, hiện nay, trên cơ sở 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia này, các sở, ngành cũng đang phối hợp để thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng. Qua rà soát, riêng những người ốm, đau, bệnh tật nếu như chúng ta để ở trong hộ nghèo thì vẫn nghèo.
"Chính vì vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đang xây dựng một chính sách để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ thêm để tăng mức sống cho các đối tượng nghèo, hỗ trợ để họ thoát nghèo", bà Hạnh cho hay.
Bình Định đang triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: DT.
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố phải có giải pháp cụ thể trong giảm nghèo bền vững. Người dân thiếu sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2024 chưa cấp được thì phải quy hoạch, tạo quỹ đất. Những hộ nghèo đã cải thiện được một số tiêu chí, tiếp cận dịch vụ xã hội nhưng tiêu chí thu nhập chưa cải thiện được thì cần đưa từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo.
Theo ông Lê Kim Toàn, muốn nâng tiêu chí thu nhập cho các hộ nghèo thì các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ về đất đai, vốn, kiến thức, làm nhiều năm và thông qua các chương trình.
"Triển khai công tác giảm nghèo bằng xây dựng kế hoạch, bằng ra nghị quyết thì mãi mãi vẫn nghèo. Không giảm nghèo chỉ duy nhất bằng nghị quyết và kế hoạch. Cần rà soát, kiểm tra lại chứ không thì mình sẽ hô khẩu hiệu từ trên xuống dưới, còn người nghèo vẫn cứ là nghèo. Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh phải thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, đó mới là hợp lý", ông Lê Kim Toàn khẳng định.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận