Với mục tiêu đến năm 2025 có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang tập trung nguồn lực hướng về đích huyện nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà hiện chỉ còn xã Sơn Tân chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền, nhân dân đang nỗ lực hết mình để về đích nông thôn mới vào năm cuối 2024 theo kế hoạch. 

Ngoài ra, huyện còn có xã Cam Tân đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024. Xã đã thực hiện tốt các tiêu chí, nhất là về an ninh trật tự. Từ nguồn ngân sách và đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân, xã thực hiện mô hình “Camera giám sát, đảm bảo an ninh, trật tự”, lắp đặt 40 camera tại các điểm quan trọng trên Quốc lộ 1; tuyến đường liên xã, liên thôn; vị trí trọng yếu. Xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao...

Cam Lâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy về đích nông thôn mới  第1张Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới tự động ở huyện Cam Lâm.

Nhờ những nỗ lực của các địa phương, huyện Cam Lâm đã có 11/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã Cam Hải Tây và Cam Thành Bắc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được phát triển, nhân rộng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: Một số công trình cần đầu tư nhưng không phù hợp với các quy hoạch phân khu hiện tại nên không thể thực hiện; khả năng nguồn lực của huyện còn hạn chế trong việc đảm bảo để hỗ trợ cho các xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nguồn lực đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới không nhiều…

Theo ông Đặng Chí Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2025, huyện đã tìm các giải pháp, cách làm mang tính tháo gỡ đối với một số tiêu chí, lĩnh vực còn khó khăn mang tính khách quan như: Quy hoạch, môi trường, chuyển đổi số, thông tin và truyền thông; việc cam kết đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí đối với các công trình thiết yếu cần đầu tư.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp lồng ghép các nguồn vốn; triển khai kế hoạch, lộ trình, mốc thời gian hoàn thành từng tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể; kiểm tra đôn đốc, có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết các nguồn vốn được giao theo đúng tiến độ…