Chuyên gia Nga nhận định chính sách đối ngoại của ứng viên tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris có thể sẽ không độc lập trong các vấn đề chính sách đối ngoại, mà sẽ tiếp tục chính sách của đảng.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris (phải) và ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (Ảnh: Getty).
"Kamala Harris về cơ bản là một người nghiệp dư về chính sách đối ngoại. Nếu bà ấy trở thành tổng thống và có đủ trợ lý giỏi xung quanh, bao gồm trợ lý chính sách đối ngoại, bà ấy sẽ làm theo lời khuyên của họ", Sergey Samuilov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về Cơ chế Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết. Trung tâm này là một phần của Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
"Đằng sau những trợ lý này sẽ là một số thế lực nhất định, bao gồm cả những thế lực từ ngành công nghiệp quốc phòng, kiếm được nhiều tiền từ cuộc chiến tranh hỗn hợp mà Mỹ và phương Tây đang tiến hành chống lại Nga trên lãnh thổ Ukraine", ông Samuilov nói.
Theo chuyên gia Nga, nếu ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris thắng cử, "sẽ không có sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ song phương".
"Sức mạnh của đảng Dân chủ Mỹ là bộ máy đảng hùng mạnh của họ. Bà Harris sẽ đi theo con đường của đảng, được thiết lập theo cách mà Joe Biden đã hành động, tức là ủng hộ Ukraine và đáp ứng lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng", ông nói.
Theo nhà nghiên cứu Nga, mặc dù ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đôi khi đề cập đến nhu cầu cải thiện quan hệ với Nga, nhưng xét về mặt trừng phạt và chiến tranh ngoại giao, ông Trump "vượt qua các tổng thống từng lãnh đạo nước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh". Không giống như bà Harris, ông Trump "có lập trường riêng và có thể áp đặt ý chí của mình, vì điều này mà ông bị thế lực ngầm không ưa", theo chuyên gia Samuilov.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nga dự đoán, chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa có thể thúc đẩy một số tiến triển trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên, một tổng thống sẽ nỗ lực để tái đắc cử, còn trong nhiệm kỳ thứ hai, ông ấy phải làm điều gì đó tốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ để tạo nên lịch sử. Điều đó có nghĩa là ông Trump có thể làm dịu lập trường của mình và đạt được một số thỏa thuận với chúng tôi", chuyên gia Samuilov nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này cho biết, Moscow muốn ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đắc cử vào tháng 11 tới. Chủ nhân Điện Kremlin nói, ông tôn trọng sự lựa chọn của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden khi quyết định ngừng tranh cử và "trao lại ngọn đuốc" cho cấp phó Harris.
Nói về bà Harris, Tổng thống Nga cho rằng thái độ tích cực của bà có thể đồng nghĩa bà sẽ kiềm chế áp đặt biện pháp trừng phạt Nga so với ông Trump, người bị cho là đã đưa ra nhiều hạn chế đối với Moscow hơn bất kỳ tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ.
Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh: "Cuối cùng, sự lựa chọn là tùy thuộc vào người dân Mỹ và chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của họ".
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Putin, ông Trump nói: "Ông Putin ủng hộ bà Kamala Harris và tôi không biết liệu mình có nên gọi cho ông ấy để cảm ơn hay không. Tôi không biết phải nói gì về điều này. Tôi không biết ông ấy đang xúc phạm hay đang giúp tôi".
Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nga đề cập đến việc ủng hộ ai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Trước đó, khi ông Biden còn tranh cử, Điện Kremlin cũng tuyên bố ủng hộ ứng viên Dân chủ vì cho rằng ông Biden "dễ đoán hơn".
Theo Tass
Đăng thảo luận