Chấp nhận mua nhà "không sổ" vì tài chính hạn hẹp, giá nhà thì tăng cao
(Dân trí) - Trước tình cảnh giá rao bán nhà tại Hà Nội tăng quá nhanh, một số người có kinh tế hạn hẹp phải tìm đến những căn nhà không sổ hồng để có mức giá mềm hơn, bất chấp rủi ro pháp lý.
Bất đắc dĩ phải tìm tới nhà không sổ hồng
Theo dõi thị trường bất động sản lâu nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú (quê Bắc Giang) nhận thấy giá nhà tại Hà Nội ngày càng tăng mạnh, gần như tháng sau tăng cao hơn nhiều so với tháng trước đó. Dự tính sẽ mua nhà vào năm 2025 nhưng vì lo sợ xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra, vợ chồng anh quyết định mua nhà sớm hơn dự kiến.
Đáng nói là sau khoảng 3 tháng tìm kiếm chung cư trên thị trường thứ cấp, anh Tú gần như rơi vào bế tắc vì không có căn nào phù hợp với mức tài chính 1,6 tỷ đồng của gia đình.
Anh cho biết, dù đã xác định giá chung cư sẽ cao nhưng không nghĩ cao đến vậy. Một căn chung cư đã sử dụng 10 năm ở quận Nam Từ Liêm có diện tích khoảng 60m2 được chào bán với giá hơn 3,2 tỷ đồng, tương đương hơn 53 triệu đồng/m2. Mức giá này vượt xa khả năng tài chính của vợ chồng anh Tú.
Trước tình cảnh chung cư tăng chóng mặt, vợ chồng anh quyết định chuyển sang tìm chung cư không sổ hồng. Giữa tháng 8, gia đình anh đã chốt mua một căn chung cư 67m2 có 2 phòng ngủ với giá 2,2 tỷ đồng, tương đương 33 triệu đồng/m2 tại HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Số tiền còn thiếu, vợ chồng anh vay người thân và trả dần.
Theo anh, dù biết mua chung cư không sổ hồng chỉ có thể giao dịch bằng hợp đồng mua bán sẽ có rủi ro về pháp lý nhưng vì dự án có mức giá mềm nhất hiện tại nên chấp nhận. Trước mắt sẽ có chỗ ở tại Hà Nội không phải đi thuê nhà.
Tương tự, anh Phạm Công (quê Nam Định) cho biết, gia đình anh đã hoàn tất mua lại một căn nhà 3 tầng không sổ hồng nằm trong ngõ có diện tích sàn 25m2 tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) với mức giá 1,6 tỷ.
Với mức kinh tế hạn hẹp, một số người lựa chọn mua nhà không sổ, bất chấp rủi ro về pháp lý (Ảnh: Hà Phong).
Anh nói, đã bươn chải tại Hà Nội hơn 10 năm nhưng càng đợi đủ tiền giá nhà càng tăng. Với số tiền ít ỏi gia đình bất đắc dĩ phải tìm tới nhà không sổ hồng dù biết sẽ có rủi ro về pháp lý. Chỉ như vậy gia đình anh mỗi tháng sẽ bớt chi phí 10 triệu thuê nhà mà có chỗ ở tại Hà Nội.
Giá chung cư Hà Nội tăng nhanh
Bộ xây dựng cho biết, giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm. Trong quý II năm nay, giá căn hộ chung cư tăng trung bình 5-6,5% so với quý trước đó và tăng 25% so với cùng kỳ.
Tại Hà Nội, giá rao bán một số dự án căn hộ chung cư trên thị trường tăng cao, cụ thể như tại các khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%; Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu CBRE cũng cho thấy trong quý II, giá bán chung cư tại Hà Nội bình quân đã xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Mức này đã tăng 6,5% theo năm và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguyên nhân khiến giá chung cư cũ và mới tại Hà Nội đều tăng cao là nguồn cung ngày càng đi xuống, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ và bình dân. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng đi lên. Đồng thời, chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, vốn, nhân công... ngày càng cao khiến giá nhà khó giảm trong ngắn hạn.
Ông nói, trong bối cảnh nguồn cung ách tắc, cá nhân, doanh nghiệp có hàng sẽ có lợi thế trong việc đưa giá. Việc người bán đẩy giá khi chung cư hay bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế việc mua chung cư chưa có sổ đỏ/sổ hồng có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, trước khi xuống tiền người mua nhà cần cân nhắc kỹ tới yếu tố pháp lý.
Đăng thảo luận