Trong mắt của Hoàng Mai Trang - cô gái Sài Gòn đã sống ở Dubai 8 năm nay, thành phố xa hoa bậc nhất thế giới này là nơi mọi điều khó tin đều có thể xảy ra.
Tốt nghiệp ngành Quản trị nhà hàng khách sạn, mơ ước của Mai Trang là được làm việc trong môi trường quốc tế để nâng cao kinh nghiệm cũng như vốn tiếng Anh.
Khi biết một tập đoàn khách sạn nổi tiếng thế giới tổ chức ngày hội phỏng vấn ở TPHCM để tuyển nhân viên cho chuỗi khách sạn sắp mở ở Dubai, Trang đã nộp đơn ứng tuyển và may mắn trúng tuyển. Năm 2016, Trang sang Dubai làm việc và ở đó cho tới bây giờ.
Hiện tại, cô đã kết hôn với chồng người Ai Cập. Hai vợ chồng cô đang làm việc cho một chuỗi nhà hàng Việt Nam ở đây.
An toàn, tiện nghi nhưng đắt đỏ
Hoàng Mai Trang và chồng đang làm việc cho một chuỗi nhà hàng Việt Nam ở DubaiNếu như Sài Gòn quanh năm nắng nóng thì ở Dubai, thời tiết chia thành 2 mùa rõ rệt. Vào mùa đông, thời tiết se se lạnh như Đà Lạt. Nhưng từ tháng 4 tới cuối tháng 11, trời nóng như đổ lửa.
“Vào thời điểm này, không ai muốn bước ra đường. Nhiệt độ đỉnh điểm có thể lên tới hơn 50 độ C, nóng đến ngạt thở. Chính vì thế, rất ít loại rau củ quả trồng được tại Dubai, khiến giá cả của những loại thực phẩm này rất đắt đỏ, chi phí sống cao ngất ngưởng”.
Trang chia sẻ, đó cũng chính là một trong những điều cô không thích ở Dubai. Ngược lại, điều mà cô gái sinh năm 1991 thích nhất ở thành phố này là sự tiện nghi.
“Ở đâu cũng có toilet công cộng sạch sẽ. Tất cả mọi thứ đều có thể đặt hàng qua ứng dụng và có quy trình, nếu biết sử dụng thì sẽ rất tiện”.
Là một đất nước Hồi giáo, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất thường được đánh giá là khép kín và có nhiều luật lệ chặt chẽ. Nhưng với Trang, việc phân chia ranh giới giữa nam và nữ lại khiến cô có cảm giác an toàn.
“Ví dụ như trên tàu sẽ có toa riêng dành cho phụ nữ, salon cho nữ thì tuyệt đối không có nam, nam giới cũng không được nhìn chằm chằm vào phụ nữ,...”, Trang kể.
Ngoài ra, Trang cũng cảm thấy Dubai là thành phố có an ninh rất tốt. “Khi đi ăn trong trung tâm thương mại, tôi có thể để điện thoại trên bàn coi như ‘đặt gạch’ trước bàn đó rồi đi mua đồ ăn mà không sợ bị mất điện thoại” – Trang kể.
Ra đường là gặp siêu xe
Với Trang, việc phân chia ranh giới giữa nam và nữ của người Hồi giáo khiến cô có cảm giác rất an toànNói về sự xa hoa của Dubai, cô gái Sài Gòn kể, cứ ra đường là gặp siêu xe. “Một ngày không biết bao nhiêu chiếc Lamborghini, Ferrari hay G63 lướt qua mặt mình. Đi dạo bất cứ nơi nào cũng có thể bắt gặp mọi người mặc đồ hiệu, đeo vàng, kim cương,...
Những mặt hàng xa xỉ ở đây cũng bày bán khắp nơi, hầu như trung tâm thương mại nào cũng có”.
Thế nhưng, đi cùng với sự xa hoa đó không phải là sự lạnh lùng, vô cảm của một xã hội giàu vật chất. Ngược lại, Trang cảm thấy người dân nơi đây rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn.
“Có lần, tôi xuống xe buýt để đi bộ về nhà nhưng lại đi lạc trên con đường lớn. Bất ngờ là rất nhiều xe hơi dừng lại hỏi tôi có cần giúp đỡ hay không. Tôi cảm thấy rất ấm áp vì được quan tâm ở một chốn xa lạ.
Hay trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, rất nhiều người sẵn sàng dùng xe của mình để kéo những chiếc xe bị mắc kẹt ra khỏi chỗ ngập nước. Cũng giống như người Việt Nam, người dân Dubai cũng đi phát đồ ăn cho những người bị kẹt trên đường”.
Dubai còn có một đặc điểm thú vị nữa là 80 - 90% người dân là người nước ngoài. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Cũng nhờ thế mà ẩm thực ở Dubai vô cùng đa dạng. Bạn có thể thưởng thức ẩm thực của bất kỳ quốc gia nào khi đến đây.
“Vì tôi sang đây để đi làm nên tôi hay tiếp xúc với những người đến từ các quốc gia khác cũng như mình. Hầu như ai cũng tuân thủ luật lệ ở Dubai, tự ý thức và văn minh. Chủ nhà của tôi là người bản địa, rất hiếu khách, tốt bụng và vui vẻ” – Trang kể.
Ở Dubai, các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân cũng rất đa dạng. Cuối tuần, mọi người hay đi biển vì đất nước này có nhiều bãi biển đẹp, hoặc đi cắm trại ở các sa mạc. Ai không thích hoạt động ngoài trời có thể vào các trung tâm thương mại để mua sắm, ăn uống, vui chơi.
Vì mùa hè quá nóng nên người ta thiết kế mọi hoạt động đều có thể diễn ra trong trung tâm thương mại, như trượt tuyết trong nhà, ngắm băng đăng (nghệ thuật điêu khắc trên băng), thăm thủy cung,...
Một điểm khác biệt nữa là Dubai ít thấy các hàng quán ăn vặt, nếu có thì giá cả cũng rất đắt đỏ. Vì thế, hầu như mỗi tháng Trang chỉ dám ăn ngoài vài lần.
Sống ở Dubai 8 năm, cô gái Sài Gòn dần quen với cuộc sống nơi đây bởi sự tiện nghi, số hóa đi đôi với chi phí cao. “Nhờ có Dubai mà mình cũng trưởng thành hơn, phát triển bản thân và tự lập hơn.
Thỉnh thoảng, mình cũng nhớ nhà, nhớ nhịp sống sôi động, những âm thanh quen thuộc hay mùi đồ ăn hàng quán ở Việt Nam. Tuy nhiên, có về Việt Nam hay không thì còn… tùy duyên. Cuộc đời cho mình cái gì thì mình sẽ đón nhận cái ấy”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đăng thảo luận