YênBái - Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh cán bộ, lực lượng chức năng; tham gia cộng tác viên đặt hàng, mua hàng; đầu tư online, hack tài khoản mạng xã hội để giả danh chủ tài khoản bị hack vay mượn tiền, lừa đảo trúng thưởng, giả danh cơ quan công an để dọa nạt, yêu cầu cài đặt phần mềm phục vụ việc tích hợp giấy tờ để truy cập vào tài khoản ngân hàng của bị hại...

Cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng ở vùng cao  第1张 Một buổi diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng cho cán bộ các địa phương, sở ngành do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức năm 2024.

Với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền khoa học công nghệ, chuyển đổi số toàn diện đã mang lại tiện ích lớn trong cuộc sống hàng ngày, giúp cho nhiều người dân dù ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao cũng dễ dàng được tiếp cận, tham gia trên không gian mạng xã hội. Nhưng cũng từ đó, tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoặc nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Tuân - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái thì thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh cán bộ, lực lượng chức năng; tham gia cộng tác viên đặt hàng, mua hàng; đầu tư online, hack tài khoản mạng xã hội để giả danh chủ tài khoản bị hack vay mượn tiền, lừa đảo trúng thưởng, giả danh cơ quan công an để dọa nạt, yêu cầu cài đặt phần mềm phục vụ việc tích hợp giấy tờ để truy cập vào tài khoản ngân hàng của bị hại... 
Nhìn chung, lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhắm đến tất cả các đối tượng, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng cho đến phụ huynh, từ thành phố đến nông thôn. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân rồi dẫn dắt nạn nhân vào bẫy để lừa chiếm đoạt tài sản.
Với nhóm nạn nhân ở nông thôn, nơi dân trí thấp, kinh tế khó khăn thì thủ đoạn chủ yếu của chúng là giả danh các tổ chức, tập đoàn thông báo trúng thưởng hoặc tiếp cận làm quen, tạo niềm tin rồi rủ rê môi giới việc nhẹ lương cao, nhận hộ quà tặng từ nước ngoài gửi về... 
Điển hình như đầu năm 2024, V.T.S ở xã Suối Giàng (Văn Chấn) thông qua mạng xã hội Facebook đã làm quen với tài khoản Facebook "Pab Hmoob txom nyem” tự xưng là người Mông định cư ở Mỹ, chuyên làm từ thiện. 
Sau khi tạo được niềm tin với S, đối tượng nói sẽ gửi một lô hàng về Việt Nam gồm nhiều tiền đô la và hiện vật để làm từ thiện ở bản của S và nhờ S đứng tên địa chỉ nhận hàng. Khi S gửi địa chỉ cho đối tượng để chuyển hàng về Việt Nam, chỉ ít ngày sau, có số điện thoại lạ gọi đến điện thoại của S và tự xưng là cán bộ Cục Hải quan, nói lô hàng gửi từ Mỹ về đang mắc ở hải quan, cần phải thanh toán thuế mới cho qua và yêu cầu người nhận đóng thuế. 
S có nhắn tin lại với người gửi thì được trả lời là do đang ở Mỹ không có tiền Việt Nam đồng nên nhờ S vay tiền đóng hộ để lô hàng về, khi nhận được hàng sẽ bù lại số tiền mà S đã bỏ ra nộp thuế hải quan và còn cho thêm ngoài nữa vì trong lô hàng ngoài hiện vật còn có nhiều tiền đô la. S đã bỏ ra số tiền 10 triệu đồng để nộp vào một tài khoản do đối tượng tự xưng là cán bộ hải quan cung cấp. Nộp tiền xong chờ nhiều ngày không thấy có hàng về, S gọi lại thì cả người gửi và số điện thoại tự xưng là hải quan đều không liên lạc được, lúc ấy S mới biết mình đã bị lừa. 
Có nhiều bị hại là học sinh vùng cao. Điển hình như cuối năm 2023, sau khi tốt nghiệp cấp 2, em C.A.D ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) không đi học tiếp mà vào mạng Facebook tìm việc để đi làm thêm. Thấy quảng cáo ở Vĩnh Phúc có một cơ sở sản xuất, nhận lao động làm thời vụ không cần hồ sơ, giấy tờ thủ tục, nhận người chưa đủ 18 tuổi..., D đã theo địa chỉ ghi trên tìm đến nơi thì được người tiếp đón giới thiệu nếu chỉ đi làm công nhân thì rất lãng phí và lương thấp, D nên đi học một khóa đào tạo chuyên nghiệp 2 năm với mức học phí 30 triệu đồng, khi tốt nghiệp sẽ được làm quản lý có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Nghe bùi tai trước "miếng bánh vẽ” mà các đối tượng dựng lên, D đã gọi điện về báo bố mẹ chạy tiền nộp để đi học. 
Bố mẹ D không nghi ngờ gì, liền bán trâu, vay tiền gửi xuống cho con. Sau 3 tháng theo học tiếp tục phát sinh nhiều chi phí vật tư, sinh hoạt, ăn, ở với số tiền hàng chục triệu đồng khiến bố mẹ D không có khả năng xoay xở mà chủ nhà trọ, nhà ăn thì đòi tiền mỗi ngày, cuối cùng D phải bỏ trốn về quê. 
Ở khu vực thành phố, thị trấn nơi dân trí và điều kiện kinh tế cao hơn lại có nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi hơn để dụ dỗ con mồi sập bẫy. Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh thì chỉ từ năm 2023 đến giữa năm 2024, đã tiếp nhận, xử lý, giải quyết trên 15 trường hợp tố giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên 30 tỷ đồng, trong đó có những người bị lừa đến trên 10 tỷ đồng. 
Đó cũng mới chỉ là số vụ người bị hại mất số tiền lớn và đến cơ quan chức năng để trình báo, còn những vụ mà người bị hại mất tiền ít và không đi khai báo thì còn nhiều ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng cao. 
Bởi vậy, cùng với công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, các địa phương và công tác đấu tranh triệt phá, xử lý của cơ quan công an thì mỗi người dân, nhất là người dân vùng cao cần phải luôn đề cao cảnh giác về an toàn thông tin trên không gian mạng mọi lúc, mọi nơi, tránh bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Châu Á

Tags an toàn thông tin không gian mạng vùng cao