Thị trường việc làm đang chứng kiến sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, kết nối còn yếu cùng sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề. Chưa kể chất lượng cung lao động còn bất cập, chưa đáp ứng cầu lao động.

Doanh nghiệp, người lao động luẩn quẩn tìm nhau  第1张

Từng có sàn việc làm kết nối chín tỉnh thành phía Nam để cung - cầu giữa nhà tuyển dụng và lao động xích lại gần hơn - Ảnh: V.THỦY

Điều này vừa được nêu tại tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" được báo Người Lao Động phối hợp với các đơn vị vừa tổ chức. Giám đốc vận hành Chợ tốt kiêm Việc làm tốt Hoàng Thị Minh Ngọc nói 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát của Việc làm tốt cho biết đang thiếu lao động, 30% trong số đó đối mặt tình trạng thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tuyển dụng. Nhu cầu tìm việc của người lao động cũng nhiều thay đổi. Lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là ba tiêu chí lựa chọn công việc của nhân sự hiện nay. Lao động ngày càng trẻ hóa và đề cao xu hướng tìm việc linh hoạt, tự do về tài chính, lương bổng, giờ giấc.

Bà Đặng Hồng Liên - trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - cho hay doanh nghiệp này cần 2.000 người để đáp ứng đơn hàng khi kinh tế phục hồi song chỉ mới tuyển được một nửa. Còn ông Trần Thanh Sơn - trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc - nói dù cố gắng đảm bảo thu nhập, không quan trọng độ tuổi song nhà máy vẫn thiếu hụt lao động.

"Nhiều lao động trẻ hiện không mặn mà với ngành may. Vì khó tuyển người mới, số nghỉ việc cũng không nhỏ khiến nhà máy không thể mở rộng sản xuất, chưa kể lao động ngại chuyển đi vì còn liên quan việc học của con" - ông Sơn nói.

Trong khi đó, giám đốc nhân sự Công ty CP Pizza 4PS Lâm Thị Ngọc Ngân cho biết do đặc thù ngành dịch vụ nên chủ yếu tuyển lao động trẻ và đào tạo ngay từ đầu. Bà Ngân nói một số vị trí mất nhiều công sức đào tạo song tỉ lệ nhảy việc, nhân sự "rơi rụng" rất cao nên ngoài lương còn cần tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn mới có thể giữ chân người lao động.

Bên cạnh lương và phúc lợi, ông Đàm Trung Hiếu - phó trưởng phòng quản lý lao động (Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM - HEPZA) - nói nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo các vị trí chủ chốt, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng chuyên môn cho lao động cả kỹ năng mềm, kiến thức pháp luật và văn hóa ứng xử trong công nghiệp.

Hiện HEPZA đang phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, cơ điện tử, an ninh mạng, logistics…

Theo Cục Việc làm, sáu tháng đầu năm nay có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được nhân sự dù cần tuyển 836.000 người làm việc phổ thông.

Còn Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo ba tháng cuối năm 2024 TP cần trên 83.300 lao động.