Giá điện tăng, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng khá tiêu cực như xi măng, thép, hóa chất, giấy... Trong ngắn hạn, cổ phiếu nhóm ngành này cũng có thể chịu biến động nhất định.
Từ ngày 11-10-2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% - Ảnh: EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%. Giá điện chính thức tăng từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Tăng giá điện ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Duy Khánh - giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest - cho biết điện là đầu vào các ngành. Do vậy, việc tăng giá điện ảnh hưởng hầu hết các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tùy vào mức độ tiêu thụ điện từng doanh nghiệp, sẽ có những tác động ở mức độ khác nhau. Theo đó, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện hơn có thể ảnh hưởng khá tiêu cực như xi măng, thép, hóa chất…, ông Khánh cho hay.
Theo ước tính của công ty chứng khoán, chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép. Trong khi, với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất, mức này khoảng 9%.
Đáng chú ý nhất là lĩnh vực xi măng, do chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán. Còn với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Bà Trần Ngọc Thúy Vy - chuyên gia phân tích Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) - cho biết nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, thì tổng lợi nhuận sẽ giảm.
Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.
Tuy nhiên trong bối cảnh sức cầu còn yếu, nhiều doanh nghiệp cho biết, rất khó khăn và cân nhắc trong việc tăng giá bán.
Cũng theo chuyên gia Mirae Asset, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn. Niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Còn về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Với vai trò là nhà phân phối chính, sức khỏe tài chính của EVN cải thiện có ảnh hưởng tích cực đến tiến độ thanh toán cho các nhà máy sản xuất điện, cũng như dòng tiền đầu tư các dự án nguồn, lưới điện.
Các nhóm cổ phiếu sẽ chịu tác động ra sao từ việc tăng giá điện?
Với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, thực tế, mức này thấp hơn dự báo một vài tổ chức đưa ra trước đó.
Đội ngũ phân tích Chứng khoán MBS cho rằng cơ chế giá bán lẻ mới sẽ giúp EVN có thể tăng giá điện từ 5-10% trong 2024. Chứng khoán Shinhan cũng dự báo EVN có thể tăng giá điện ở mức 5-10%.
Ngoài ra, các đơn vị này cũng cho rằng, việc tăng giá điện là tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu ngành điện vì sẽ hỗ trợ dòng tiền của các nhà máy điện.
Trong khi cổ phiếu nhóm ngành thép, xi măng, hóa chất, giấy… sẽ chịu tác động ở chiều ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý, mức độ biến động giá cổ phiếu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, ngoài giá điện.
Như với nhóm cổ phiếu thép, Chứng khoán Shinhan cho rằng nhu cầu nội địa đang cải thiện dần, giá thép trong nước phục hồi, trong khi chi phí nguyên vật liệu cũng hạ nhiệt. Lượng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ giảm khi nước này tung gói kích cầu quy mô lớn.
Giá điện bán ra đang thấp hơn giá thành 6,92%, chuyên gia lo 'nguy hiểm'ĐỌC NGAY
Còn với nhóm cổ phiếu ngành điện, chuyên gia Chứng khoán MBS cho biết, theo cơ chế mới, chu kỳ điều chỉnh giá là 3 tháng và EVN có thẩm quyền điều chỉnh nếu mức giá tính toán tăng dưới 5% tùy thuộc vào chi phí khâu phát điện.
Trong ngắn hạn, cơ chế mới giúp cải thiện dòng tiền thanh toán của EVN. Về dài hạn, đây là sự chuẩn bị khi các nguồn điện giá cao đi vào vận hành (LNG, năng lượng tái tạo) trong 2024.
Theo đó, cơ chế mới sẽ tạo dư địa để EVN tăng giá bán lẻ, phần nào giải quyết được bài toán dòng tiền thanh toán cho các nhà máy, đặc biệt nhóm nhiệt điện như POW, PGV, NT2, QTP.
Mặt khác, nhóm xây lắp điện như PC1, TV2 cũng sẽ được hưởng lợi, đến từ nhu cầu đầu tư hạ tầng điện dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ trong 2024. Việc tài chính cải thiện giúp EVN đảm bảo hoạt động đầu tư không bị gián đoạn, theo chuyên gia MBS.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp điện có dự án điện khí LNG như POW, PGV hay những doanh nghiệp năng lượng tái tạo như REE, GEX, HDG, BCG sẽ có thể được hưởng lợi.
Đăng thảo luận