Hiểu về trái tim: Nỗi cô đơn có thật không (kỳ 1)

(Dân trí) - Để chữa lành những tổn thương và nỗi đau của một trái tim đang bị tổn thương, cách tốt nhất là cần hiểu rõ được trái tim, tâm hồn của mình và của những người chung quanh, Hiểu về trái tim đã làm được điều đó, để mọi người được sống trong hạnh phúc, yêu thương…

Bí quyết hay nhất để chuyển hóa nỗi cô đơn chính là hãy tìm thấy hóa thân của mình trong tất cả những đối tượng liên quan tới cuộc đời mình.

Những bức tường vô hình

Một trong những bất hạnh lớn nhất của đời người đó là không tìm ra được một đối tượng có thể chia sẻ và cảm thông với mình bất cứ lúc nào về những điều thầm kín hay cả những cảm xúc vui buồn. Trạng thái chơi vơi của cái tôi như bị tách biệt ấy ta gọi là nỗi cô đơn.

Dù ta đang sống chung với những người thân trong gia đình hay không thiếu những người bạn tốt xung quanh, nhưng giữa họ và ta luôn có những bức tường vô hình ngăn cách khiến cho đôi bên không thể hết lòng khi đến với nhau, nên không thể hiểu hết được nhau. Bức tường ấy có thể là tính cách, sở thích, kiến thức, quan điểm sống hay cả vị trí trong xã hội. Nhưng đôi khi chính ta là chủ nhân của bức tường ngăn cách ấy, vì ta đã không dễ dàng tin tưởng để chấp nhận một người. Ta đã tự làm khó mình bằng cách tự ban cho mình một vị trí đặc biệt mà phải một người bản lĩnh và thiện chí lắm mới có thể trèo qua nổi bức tường ấy.

 

Cuộc sống ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, ai cũng cố gắng tranh thủ tích góp tiền bạc hay củng cố địa vị để tôn vinh cái tôi quý giá của mình, để thấy mình có giá trị, nên sự cạnh tranh và đối nghịch luôn là hệ quả tất yếu. Chính vì thế ta luôn sống trong tình trạng phòng thủ, bởi theo ta người nào càng thân thiết thì càng có nhiều khả năng lợi dụng hay triệt tiêu mình. Do đó, không gian tự do của ta ngày càng bị thu hẹp lại, sự tự nhiên và cởi mở cũng bị thu hẹp lại, và ý niệm về tình thâm hay tinh thần tương trợ đã trở thành lỗi thời và xa xỉ. Cho nên chưa bao giờ con người cảm thấy đời sống tẻ nhạt như bây giờ. Càng tiến tới đỉnh cao danh vọng thì càng bị tách biệt với mọi người, càng có được nhiều thứ thì càng xa lạ với mọi thứ. Thật nghịch lý khi ta luôn sống tách biệt với mọi người, hay không bao giờ tạo cơ hội để mọi người tiếp cận mình, nhưng ta lại than van sao không ai chịu hiểu mình.

Nhưng ai sẽ hiểu ta đây khi ta vẫn còn quá nâng niu bảo vệ cái tôi của mình và nhất là vẫn chưa sẵn lòng để hiểu người khác? Muốn người khác đến với mình và hiểu mình thì mình phải nới rộng dung lượng trái tim để có chỗ cho họ tham dự vào. Dù ta cố gắng yêu thương một đối tượng nào đó, nhưng nếu ta vẫn khư khư giữ nguyên thái độ bảo thủ của mình, vẫn không muốn chia sẻ và nâng đỡ, vẫn dễ bị tự ái tổn thương, thì ta vẫn chưa phá vỡ được những bức tường thành kiên cố ích kỷ của mình. Ngay cả khi ta thấy tình yêu đang rất mặn nồng, ai cũng hết lòng với nhau, nhưng khi vừa tách ra khỏi nhau vài giờ thì ta lập tức rơi vào những khoảng trống chơi vơi lạc lõng như chưa từng có chỗ bám. Tình yêu ấy thực chất chỉ là sự trao đổi cảm xúc, dựa dẫm, không thấy được giá trị đích thực của nhau, thì đó cũng là cách để trang điểm cho cái tôi hưởng thụ của mình. Bằng chứng là khi họ không còn giữ được vẻ đáng yêu nữa thì ta cũng vội quay lưng. Cho nên càng yêu thì ta càng thấy cô đơn.

Người ta hay nói “Cô đơn là quê hương của thiên tài”. Những bậc thiên tài thường hay sống trong âm thầm lặng lẽ để khám phá sáng tạo, nhưng cũng vì không tìm được đối tượng có cùng nhận thức để chia sẻ và cảm thông. Nhưng khoảng cách khác biệt ấy chỉ thể hiện ở lĩnh vực tài năng nào đó mà thôi, còn những lĩnh vực khác thì thiên tài vẫn cần phải tiếp cận để học hỏi cái hay của mọi người. Thiên tài đâu hẳn là người hoàn hảo hay không cần tình cảm. Cho nên thiên tài chỉ thật sự cô đơn khi thiên tài thấy mình thật phi thường còn mọi người xung quanh thì quá tầm thường. Cũng như những người trải qua nhiều lần thất bại thì họ dễ mất niềm tin vào cuộc sống và cả chính mình, lúc nào họ cũng cảm thấy như mình chẳng có chút giá trị nào trong mắt người khác. Thái độ tự ti mặc cảm cũng khiến họ tách biệt với mọi người, mang theo nỗi cô đơn. Nói chung khi vướng vào tâm lý tự tôn hay tự ti thì ta đều cảm thấy mình không thể hòa nhập bình đẳng với mọi người, nhưng lại nghĩ số phận mình vốn dĩ phải chịu cô đơn.

Người biết sống một mình

Cho nên cô đơn hay không là do chính thái độ sống của ta. Ta hãy thử mở lòng ra để làm quen một người, nếu họ không thể đem tới cho ta niềm an ủi nào thì ít ra họ cũng sẽ cho ta ít nhiều kinh nghiệm để ta xây dựng tốt hơn những mối quan hệ sau này. Muốn có một người bạn tốt thì ta hãy là người bạn tốt trước đã. Đừng trông chờ vào vận may hay ngồi đó gặm nhấm với nỗi cô đơn bất hạnh của mình một cách đáng tội nghiệp, vì đó là thái độ yếu đuối và thất bại không nên có. Ta có thể vượt qua nó bằng cách thu lại bớt những bức tường ngăn cách không cần thiết để tạo cảm giác dễ chịu và gần gũi cho mọi người xung quanh. Hãy mở lòng ra một cách không phân biệt, trong một ngàn người thế nào ta cũng tìm được một người.

Nhưng ta cũng đừng quá khẩn trương tìm kiếm cho mình một đối tượng ưng ý ngay khi mình vừa mới thất bại. Một con thú khi bị trúng thương thì nó phải lập tức rút về hang để tự chữa trị. Có khi nó phải chấp nhận không săn mồi cả tháng trời để nằm yên và tự liếm vết thương của mình. Nếu nó không thể kiềm chế được sự thèm khát thì chắc chắn nó sẽ bị con thú khác tấn công hay chính vết thương đang mang sẽ giết chết nó. Sự trốn chạy khỏi nỗi cô đơn cũng có thể là thái độ từ khước chữa trị vết thương lòng của mình. Dù ta chẳng có mang vết thương nào từ sự thất bại, nhưng cảm thấy mình cô đơn lạc lõng mà không thể đứng vững được đã là một bệnh trạng tâm lý rồi. Vì không phải ai sống một mình cũng có cảm giác cô đơn. Do đó, muốn trở thành một con người vững chãi thì ta hãy tập đối diện với sự cô đơn của mình, để xem nó thật sự muốn gì. Thật ra chính sự cô đơn đã mang lại cho ta một cơ hội quý giá để tìm về chính mình, vì khi mình ngồi đối diện mãi với chính mình bằng tâm trạng bình yên và thái độ khám phá thì thế nào ta cũng tìm thấy con người chân thật của mình.

Cụ Nguyễn Du đã nhắc nhở rằng: “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng” (Truyện Kiều). Muốn có người tri kỷ thì không thể “chọn” trong một thời gian ngắn ngủi. Phải gần gũi, va chạm, chia sẻ, cảm thông, chấp nhận, nhường nhịn, buông bỏ những cố chấp hay thành kiến, rồi kính trọng và thương mến nhau thì mới trở thành tri kỷ của nhau được. Cho nên nói “chọn” mà kỳ thực không phải chọn, tri kỷ không bao giờ là đối tượng có sẵn cho ta. Thỉnh thoảng có những người ra vẻ rất hiểu ta ngay từ buổi đầu, họ nắm bắt những suy nghĩ hay ước vọng của ta rất nhanh, gây cho ta cảm giác như là đã từng thân quen nhau lâu lắm rồi, nhưng kỳ thực là do người ấy có sự thông minh nhạy bén, hoặc do ta phơi bày khá rõ tâm ý của mình, hoặc ta và họ có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, còn rất nhiều lớp tâm lý phức tạp sâu kín bên trong mà phải đợi đủ điều kiện nó mới hiển hiện ra. Vì vậy, dù ta tài năng cỡ nào thì cũng phải nhường bước cho thời gian giúp ta khám phá hết sự thật về đối tượng ấy.

Khi đã là tri kỷ của nhau thì ta phải thấy được người kia luôn có mặt trong ta và ta cũng luôn có mặt trong người ấy. Bởi tất cả những ân tình ta đã trao cho nhau cũng chính là một phần thân thể của nhau, người ta thường gọi đó là hóa thân. Nếu ta không thấy được hóa thân của nhau thì ta vẫn chưa tiếp xúc được cái tổng thể - tức con người chân thật của nhau. Cũng như trong bài thơ Thề non nước của Tản Đà, non hay hờn trách nước đã quên lời thề ước nên cứ bỏ non mà đi mãi, làm cho non phải chịu cảnh cô đơn mòn mỏi: “Nhớ lời nguyện nước thề non. Nước đi chưa lại, non còn đứng không. Non cao những ngóng cùng trông. Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Nhưng tại non không chịu nhìn kỹ, nhìn bằng con mắt vô tướng để vượt qua cái hình hài cũ kỹ của nước, vì bây giờ nước đã biến thành mây bao phủ quanh non mỗi ngày mà non không hề hay biết. Và nếu đám mây kia có tan biến đi thì nó cũng sẽ hóa thành mưa để làm xanh tốt những nương dâu dưới chân non, “Non cao đã biết hay chưa? Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”, “Nước kia dù hãy còn đi. Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui”. Nương dâu ấy chính là một phần thân của nước, non không nhìn thấy là lỗi của non. Nước không thể giữ nguyên trạng thái cho non mãi được, bởi bản chất của nước là vô thường – không ngừng biến đổi.

Cho nên bí quyết hay nhất để chuyển hóa nỗi cô đơn chính là hãy tìm thấy hóa thân của mình trong tất cả những đối tượng liên quan tới cuộc đời mình. Do vậy, càng mở lòng ra để chia sẻ và nâng đỡ mọi người một cách không điều kiện thì ta sẽ càng thấy con người mình rộng lớn hơn. Cô đơn có thể là quê hương của thiên tài, nhưng cũng có thể là ngục thất của những kẻ chưa định vị được mình trong cuộc sống và luôn trông chờ vào sự nâng đỡ của cuộc sống.

Cô đơn trong phút giây

Thấy núi sông cách biệt

Giọt sương trên lá cây

Bóng hình ai tiền kiếp?

Đôi nét về Thầy Minh Niệm:

Thiền sư Minh Niệm sinh năm 1975 tại Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1992 xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm – Sài Gòn. Năm 1999 bắt đầu tự thực tập Thiền Tứ Niệm Xứ. 2001: Thọ giáo Thiền sư Nhất Hạnh và Thiền sư Tejaniya. 2007: Sáng lập dòng Thiền hiểu biết. Sau đó, chính thức hướng dẫn thiền và khai triển tâm lý trị liệu cho giới trẻ.

 

Ngay từ khi ra mắt vào năm 2011, Hiểu về trái tim đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Cuốn sách có số lượng in lần đầu lớn nhất với 100.000 bản. Đồng thời, tên cuốn sách sau này cũng được chọn làm tên cho quỹ từ thiện Hiểu về trái tim.

Hiểu về trái tim (thuộc Tủ sách Hạt giống tâm hồn) gồm 50 bài viết tâm lý trị liệu, được trình bày chân phương, dễ hiểu, thực tế, nhưng cũng rất sâu sắc với 50 chủ đề tâm lý; đặc biệt, mỗi một chủ đề được thiền sư Minh Niệm gói gọn trong hai từ như: Khổ đau, Hạnh phúc, Tình yêu, Tức giận, Ghen tuông, Ích kỷ, Tham vọng, Thành thật, Nghi ngờ, Lo lắng…

 

Minh Niệm

Trích sách “Hiểu về trái tim”

Theo Firstnew