Trong suốt 70 năm, Thủ đô đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển toàn diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến khoa học công nghệ, nhằm nâng cao đời sống của người dân và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Bước vào thời kỳ mới với nhiều cơ hội phát triển
Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ với vị thế và tiềm lực ngày càng vững chắc. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Điều này là nền tảng quan trọng để Hà Nội vươn mình, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của cả nước, phấn đấu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và phát triển vào năm 2045.
Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi từ các mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia lớn, cũng như việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CP TPP, EV FTA. Sự hội nhập này giúp Hà Nội mở rộng cơ hội phát triển, tiếp cận công nghệ tiên tiến và khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô năm 2024 đã định hướng rõ ràng phương hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Những chính sách đặc thù này mở ra cơ hội lớn cho Thủ đô phát triển thành một đô thị văn minh, hiện đại, xanh và thông minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Hà Nội luôn duy trì đà tăng trưởng, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã nhanh chóng triển khai những kế hoạch nhằm khôi phục lại đời sống kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường.
Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, một trong những chiến công oanh liệt, trở thành biểu tưởng của ý chí, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, như dư luận thế giới nhận định, đó là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.
Trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế toàn cầu biến động và sự tác động của các yếu tố khách quan, nhưng Hà Nội luôn giữ vững tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ phát triển vươn lên.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 6 - 7% mỗi năm, Thủ đô đóng góp 16% GDP cả nước và 18,5% tổng thu ngân sách quốc gia. GRDP bình quân đầu người của Hà Nội đã tăng đáng kể, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội đã thu hút được hơn 45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hàng nghìn dự án đầu tư vào các lĩnh vực then chốt. Hà Nội tiếp tục thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các dự án đầu tư về công nghệ hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số.
Hà Nội đang không ngừng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm HùngXây dựng Nông thôn mới về đích trước 2 năm
Một trong những thành tựu quan trọng của Hà Nội trong những năm qua là chương trình xây dựng nông thôn mới. Hà Nội đã hoàn thành chương trình này trước 2 năm so với kế hoạch, một kết quả ấn tượng và đáng tự hào. Thành phố đã bố trí gần 8.000 tỷ đồng cho công tác này, bảo đảm 100% các huyện và xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ dừng lại ở đó, Hà Nội tiếp tục tiến bước với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, với 4 huyện và 48,7% số xã đạt chuẩn.
Những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững, toàn diện của Thành phố. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân vùng nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều trên toàn địa bàn Thành phố. Đặc biệt, nông thôn mới không chỉ là một chương trình phát triển hạ tầng mà còn là một quá trình phát triển toàn diện, bao gồm cả kinh tế, văn hóa và xã hội.
Phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Hà Nội cũng không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, với nhiều chính sách thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư lên tới gần 50.000 tỷ đồng cho ba lĩnh vực trọng điểm: văn hóa, giáo dục và bảo tồn các di tích lịch sử.
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, khẳng định vai trò của mình không chỉ là trung tâm văn hóa mà còn là một thành phố sáng tạo, đổi mới. Các sự kiện văn hóa lớn như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, các lễ hội truyền thống… đã trở thành cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa và giá trị lịch sử lâu đời. Hà Nội cũng tự hào là một trong những thủ đô có lịch sử văn hóa hơn nghìn năm tuổi, được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì Hòa bình".
Với 5.922 di tích đã được kiểm kê, 1.350 làng nghề truyền thống, gần 1.700 lễ hội dân gian và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội thực sự là một trong những thành phố giàu truyền thống văn hóa nhất cả nước, trở thành Thành phố văn hiến, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long và Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám), Thủ đô luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời hội nhập với văn hóa quốc tế.
Hà Nội luôn chú trọng đến việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn Thành phố. An sinh xã hội được thực hiện bao trùm, toàn diện, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Thành phố cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống y tế và giáo dục, với 14 bác sĩ/vạn dân và 2.700 trường học các cấp, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt hơn 60%. Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế như người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, và các chương trình giáo dục, y tế, nhà ở xã hội.
Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố đã giảm xuống còn dưới 0,03% và dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ cơ bản không còn hộ nghèo. Đây là kết quả của những chính sách xóa đói giảm nghèo toàn diện và các chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho các đối tượng chính sách, người có công và người yếu thế trong xã hội.
Xây dựng và phát triển Thủ đô Xanh, Thông minh
Hà Nội không ngừng nỗ lực để khẳng định vị thế thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng tầm chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô, xây dựng Thành phố Thông minh.
Là một trong những địa phương đi đầu cả nước, Thành phố đã quán triệt sâu sắc tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Với kim chỉ nam chung là Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, Hà Nội xác định chuyển đổi số nhằm tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực hiện văn minh, hiện đại. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là: kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Thành phố đã ban hành nhiều chính sách như miễn phí các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân trong việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua ứng dụng VN-eID, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Hệ thống ứng dụng "Công dân Thủ đô số" và "Thẻ vé giao thông Hà Nội", “hóa đơn điện tử và quản lý thuế qua thanh toán thông minh” cũng đang được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và tạo ra một mô hình đô thị thông minh, đáng sống.
Hà Nội đặt ra mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng nền tảng chính quyền số, phát triển kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao; xây dựng xã hội số và văn hóa số, phát triển hạ tầng giao thông thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, tạo các nền tảng cho Thành phố Thông minh.
Hà Nội - Thành phố Văn hiến, Văn minh, Hiện đại
Với những kết quả đã đạt được, Hà Nội đang từng bước khẳng định mình là một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục hàng đầu của cả nước. Trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học đã hình thành triết lý phát triển của Thủ đô với" tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.
Các nội dung, phương án quy hoạch của Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội, được coi như là triết lý phát triển: “Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”. Đồng thời, kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển", xây dựng hình ảnh đặc trưng của Hà Nội: “Thủ đô Văn hiến - kết nối toàn cầu - thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”.
Về định hướng phát triển của Thành phố, Thủ đô Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và trí tuệ. Với tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ trở thành Thành phố Toàn cầu, Xanh - Thông minh, đáng sống, đại diện tiêu biểu cho một Việt Nam thịnh vượng và phát triển. Hà Nội sẽ định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và giống cây con mới sẽ đóng vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là động lực chủ yếu gắn với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố; phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) bảo đảm cân đối, hài hòa.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta, với tư cách là công dân của Thủ đô Hà Nội, có quyền tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng bền vững, phấn đấu trở thành một Thành phố Thông minh, hiện đại, văn minh và giàu bản sắc, xứng đáng là trái tim của cả nước, là biểu tượng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong thời đại mới.
Đăng thảo luận