Câu hỏi quan trọng lúc này là liệu cuộc tấn công tên lửa của Iran có đánh dấu bước leo thang hay chỉ là phản ứng dữ dội "một lần rồi thôi".

Iran tấn công tên lửa vào Israel: Trung Đông rồi sẽ ra sao?  第1张

Một hệ thống tên lửa của Iran được trưng bày bên cạnh biểu ngữ có hình ảnh lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và cố thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trên một con phố ở Tehran (Iran) vào ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS

Ngay ngày đầu tiên của tháng 10, bầu trời Trung Đông lại sáng rực với hàng loạt tên lửa các loại từ Iran phóng về phía Israel. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công leo thang nhanh chóng giữa Israel với Iran và các đồng minh của Tehran, đe dọa đẩy Trung Đông đến gần hơn với một cuộc chiến tranh toàn khu vực.

Israel sẽ trả đũa?

Ngày 2-10, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ông đã ra lệnh triển khai máy bay quân sự để ngay lập tức sơ tán công dân nước này khỏi Israel và các khu vực khác ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này "hết sức quan ngại" về tình hình Trung Đông và kêu gọi các bên kiềm chế.

Liên Hiệp Quốc họp khẩn phản đối cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel - Nguồn: AFP - X

Những diễn biến trên phần nào cho thấy căng thẳng ở Trung Đông đã trở nên nóng hơn sau khi Iran phóng khoảng 200 tên lửa các loại (gồm cả tên lửa siêu vượt âm) vào ba căn cứ quân sự xung quanh Tel Aviv và những nơi khác của Israel hôm 1-10, khẳng định 90% quả đạn "đã đánh trúng mục tiêu". 

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố chiến dịch "Lời hứa đích thực 2" này là để đáp trả các cuộc tấn công chết chóc của Israel nhằm vào người dân ở Dải Gaza và Lebanon, cũng như những vụ Israel hạ sát các thành viên cấp cao của IRGC, phong trào Hamas và nhóm vũ trang Hezbollah.

  • Iran tấn công tên lửa vào Israel: Trung Đông rồi sẽ ra sao?  第2张

    Chuyên gia phân tích độ phức tạp của cuộc tấn công tên lửa Iran vào IsraelĐỌC NGAY

Trong khi đó, quân đội Israel cho rằng Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo nhưng một "số lượng lớn" đã bị hệ thống phòng không của Israel cùng các đồng minh Mỹ và Jordan đánh chặn. Lực lượng y tế Israel báo cáo có hai người bị thương do mảnh đạn, trong khi một người Palestine ở Bờ Tây thiệt mạng vì bị mảnh tên lửa rơi trúng người.

Theo Hãng tin AFP, đây là "cuộc tấn công trực tiếp thứ hai của Iran vào Israel trong lịch sử" sau cuộc tấn công hồi tháng 4 năm nay. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói Iran đã "phạm sai lầm lớn" và "sẽ phải trả giá". Ông nói: "Bất kỳ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công họ".

Tuy nhiên, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định đất nước ông đã thực hiện "các quyền hợp pháp" của mình. Iran cũng đe dọa sẽ tấn công "với cường độ lớn hơn" nếu Israel trả đũa. Tướng Iran Mohammad Bagheri cảnh báo Tehran sẽ nhắm vào "mọi cơ sở hạ tầng" ở Israel.

Cuộc tấn công của Iran diễn ra sau khi quân đội Israel bắt đầu "chiến dịch trên bộ hạn chế" ở miền nam Lebanon, dọc biên giới phía bắc Israel. Ngày 2-10, quân đội Israel cho biết các đơn vị thiết giáp và bộ binh chính quy của họ vẫn đang tham gia những hoạt động trên bộ ở miền nam Lebanon, song sẽ vẫn ở mức hạn chế và có phạm vi cục bộ. Cùng ngày, Hezbollah cho biết các chiến binh của họ đã đụng độ với binh sĩ Israel đang cố gắng xâm nhập vào Lebanon.

Chuyện gì tiếp theo?

Cuộc tấn công của Iran vào Israel là dấu hiệu mới nhất cho thấy xung đột ở Trung Đông đang leo thang, gây ra các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) Frederick Kempe nhận định những tháng tới sẽ cho thấy rõ "liệu cuộc tấn công gây choáng váng của Israel nhắm vào Hezbollah trong tháng qua - vừa kéo theo cuộc tấn công tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel - có làm leo thang chu kỳ bạo lực không ngừng nghỉ ở Trung Đông hay sẽ đánh dấu một bước ngoặt tích cực chống lại các cuộc gây hấn do Iran chống lưng".

Ông Ali Vaez - giám đốc dự án Iran tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) - lo ngại nếu xung đột Israel - Hamas vẫn không dừng lại thì cuối cùng nó vẫn sẽ lan ra những nơi khác ở Trung Đông. "Tôi e rằng không ai có đủ sáng kiến ngoại giao hoặc lòng dũng cảm để cố gắng ngăn chặn điều đó. Thật không may chúng ta hiện đang ở bên bờ vực thảm họa" - chuyên gia này nói.

Có ý kiến cho rằng hiện nay Israel đang cố gắng làm suy yếu cả phong trào Hamas và nhóm Hezbollah càng nhiều càng tốt trước khi đi đến con đường ngoại giao. Tuy nhiên, Israel lại đang hành động quá mạnh tay và những tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện.

"Với việc từ chối ngừng bắn ở Gaza - vốn cũng là chìa khóa để ngăn chặn cuộc chiến leo thang với Hezbollah, Israel đang kéo cả khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện" - ông Bilal Y. Saab, nhà phân tích chính trị và quân sự tại Viện Chính sách Chatham House (Anh) với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc về Trung Đông, bình luận.

Ông Ali Vaez cho rằng hiện nay chỉ Mỹ mới có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. Chỉ có một cách để giải quyết vấn đề lúc này là Mỹ - bên có sức ảnh hưởng đáng kể đối với Israel - phải kiềm chế Israel.

Đối với các nhà đầu tư, khi chưa biết chắc chắn tình hình Trung Đông sẽ diễn biến như thế nào sau chiến dịch "Lời hứa đích thực 2" của Iran, họ vẫn đang quan sát thận trọng, gồm cả theo dõi phản ứng của Israel.

Các nước kêu gọi kiềm chế

Ngày 2-10, Nga đánh giá tình hình ở Trung Đông đang diễn biến theo hướng đáng báo động và kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông tin Nga đã liên lạc với tất cả các bên và lên án mọi hành động khiến dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án "xung đột Trung Đông ngày càng mở rộng với sự leo thang liên tục" và một lần nữa kêu gọi ngừng bắn. Còn Saudi Arabia hy vọng các bên ở Trung Đông sẽ xuống thang căng thẳng và đối thoại.