Những phế phẩm như vỏ trấu, xơ dừa, bột đá... tưởng chừng chỉ là rác thải, đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thành sản phẩm cao cấp xuất khẩu giá trị cao.

Khách nước ngoài mê mẩn sản phẩm làm từ vỏ trấu, xơ dừa...  第1张

Pallet xơ dừa làm từ 95% nguyên liệu tái chế như xơ dừa, ca cao và cà phê không chỉ thân thiện với môi trường mà còn nhiều ưu điểm vượt trội với pallet gỗ - Ảnh: NHẬT XUÂN

Nhiều mặt hàng vừa ra mắt đã nhận được đơn mua hàng từ nhiều nước trên thế giới.

Vừa ra mắt đã xuất ngoại

Tháng 9 vừa qua, "ông lớn" ngành văn phòng phẩm Thiên Long cho ra mắt dòng sản phẩm bút nhựa và bình giữ nhiệt được chế tạo từ bột vỏ trấu (35% thành phần từ vỏ trấu) và bút làm từ bột đá (51% nguyên liệu là bột đá vôi).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Lương Thị Mai Phương, trưởng phòng phát triển bền vững Thiên Long, cho biết ngay khi vừa ra mắt, công ty đã có đơn đặt hàng từ châu Âu. "Chúng tôi kỳ vọng các đơn hàng sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối quý 4 năm nay, đặc biệt sau khi tham gia triển lãm tại Đức vào năm sau", đại diện Thiên Long nói.

Equo - một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm bền vững như ống hút, dụng cụ ăn uống, túi và hộp đựng thực phẩm làm từ phế phẩm nông nghiệp như mía, bã cà phê, dừa - đã nhanh chóng nhận được đơn hàng xuất khẩu sang nhiều quốc gia ngay từ khi ra mắt vào cuối năm 2020, đặc biệt là Na Uy và Hà Lan.

Ông Tony Nguyễn, giám đốc thương mại của Equo, cho biết Na Uy và Hà Lan ưa chuộng ống hút làm từ bã cà phê và bã mía, trong khi Úc và Bồ Đào Nha lại thích ống hút từ gạo.

Đặc biệt tại Singapore, ống hút dừa của Equo được ưa chuộng nhất và đã xuất hiện trong sự kiện lớn như giải đua xe F1 và tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

"Nhiều đối tác của chúng tôi sẵn sàng vận chuyển hàng bằng đường hàng không, miễn là sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của họ", ông cho biết thêm.

Equo không phải là dự án khởi nghiệp duy nhất thành công ngay từ khi ra mắt. AirX Carbon, một dự án khởi nghiệp với sản phẩm pallet xơ dừa, cũng đã có những kết quả kinh doanh ấn tượng kể từ khi chính thức "trình làng" vào tháng 4 năm nay.

Bà Bùi Phương Thảo, đại diện dự án AirX Carbon, cho biết riêng tháng 8-2024, công ty đã bán được 20.000 sản phẩm và dự kiến sẽ đạt 30.000 sản phẩm mỗi tháng cho đến cuối năm.

Sản phẩm của AirX Carbon đã có mặt tại 20 quốc gia như Úc, Thụy Sĩ, Singapore.

Theo bà Thảo, ban đầu pallet xơ dừa chưa nhận được nhiều sự chú ý, nhưng khi các quốc gia bắt đầu cấm sử dụng pallet gỗ do lo ngại về tình trạng phá rừng, sản phẩm từ xơ dừa ngày càng chiếm thiện cảm.

Nội địa chưa mặn mà

Mặc dù các sản phẩm thân thiện với môi trường của Thiên Long đã xuất khẩu thành công và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, nhưng chủ yếu chỉ ở thị trường quốc tế. Theo đại diện Thiên Long, nhu cầu thị trường trong nước dự đoán vẫn chưa đạt mức cao.

Bà Mai Phương cho biết giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn khoảng 10 - 15% so với sản phẩm thông thường trong khi người tiêu dùng Việt Nam chưa sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài vấn đề giá cả, việc tìm kiếm nguyên liệu phù hợp cũng là một thách thức lớn. Việc pha trộn nhựa với các nguyên liệu tái chế như vỏ trấu hay bột đá vôi đòi hỏi nghiên cứu lâu dài để tìm ra công thức kết hợp với các phụ gia khác nhằm đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm.

Quy trình thu gom và xử lý các nguyên liệu như bột đá vôi từ sò hay ốc cũng không hề đơn giản bởi nguồn cung không ổn định.

Tương tự, ông Tony Nguyễn cũng cho biết việc thu gom nguyên liệu từ các nhà máy và quán cà phê là một thách thức lớn trong quy trình sản xuất.

Việc bảo quản nguyên liệu từ nhiều nguồn và chi phí vận chuyển khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với sản phẩm từ nhựa nguyên sinh, điều này khiến việc lựa chọn ống hút thân thiện với môi trường trở nên khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Đại diện một thương hiệu vải sợi dứa - làm từ lá dứa gai - cho biết dù đã ra mắt được bốn năm và xuất ngoại thành công vào châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, công ty mới chỉ bắt đầu có đơn hàng tại Việt Nam vào năm nay.