Huyện Kon Plông (Kon Tum) chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, là địa phương tiềm năng phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian qua huyện Kon Plông, tỉnh Kom Tum đã chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản phẩm du lịch

Khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, huyện đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái. Trong đó, cam Măng Đen một trong những sản phẩm OCOP đạt 3 sao của huyện Kon Plông.

Bên cạnh đó, huyện hình thành một số điểm du lịch vườn cam quýt, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ.

Hiện nay, các mô hình du lịch theo kiểu tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao hoặc phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đang được các doanh nghiệp lựa chọn, được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Từ việc khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như việc bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp đã có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển du lịch huyện Kon Plông theo hướng bền vững.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, huyện Kon Plông đã không ngừng nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện.

Tính đến cuối năm 2023, các loại cây trồng đạt, vượt so với Nghị quyết số 05-NQ/TU, cụ thể: Cây hàng năm 8.962 ha (đạt 116 %), cây dược liệu 1.317 ha (104,9 %), cây lâm nghiệp 4.326,7 ha (108,2%),...

Kon Plông phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới  第1张 Huyện tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích rau, hoa xứ lạnh trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng diện tích hộ cá nhân đồng bào DTTS.

Huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích rau, hoa xứ lạnh trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng diện tích hộ cá nhân đồng bào DTTS. Trong đó, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị với mục tiêu mỗi xã, thị trấn triển khai ít nhất một mô hình rau xanh 50-100 m2. Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã rà soát chuẩn bị các điều kiện, chọn hộ, đăng ký diện tích, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện với tổng số 2.152 hộ; 29 đơn vị trường và 04 đơn vị trạm y tế với tổng diện tích 33,2 ha.

Về nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ huyện Kon Plông đến năm 2035 và định hướng đến năm 2030.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn huyện hiện nay là 266 ha (diện tích nhà màng, nhà kính 33,4 ha; diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 205 ha); Có 21 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã (HTX), 03 trang trại, 25 hộ cá thể sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (UDCNC); 11 doanh nghiệp, HTX, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 01 tổ hợp tác được cấp chứng nhận VietGAP; chứng nhận VietGAP cho 01 vùng sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 20 ha; Hỗ trợ 15 tổ chức, cá nhân làm mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh

Huyện Kon Plông đã tập trung rà soát, hỗ trợ các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thiện từng nội dung tiêu chí và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, huyện Kon Plông có 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có một số sản phẩm OCOP nổi bật như rượu vang sim rừng Măng Ðen, nước ép sim rừng, cao đương quy, cao hồng đảng sâm, tinh dầu tiêu rừng, Cam sành Măng Đen…. Các sản phẩm OCOP của huyện Kon Plong đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.

Huyện đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP mới, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng sản phẩm để nâng xếp hạng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao. Đồng thời các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch như: tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các ngày hội của địa phương, ngày lễ quan trọng của đất nước; hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh; thường xuyên cập nhập, đưa thông tin, hình ảnh các sản phẩm của huyện lên website Du lịch Măng Đen; liên kết với các website của các công ty du lịch trong nước để quảng bá hình ảnh du lịch Măng Đen.