"Kích hoạt tiềm năng": Sách dành cho mọi nhà quản lý?
(Dân trí) - Trong cuốn sách "Kích hoạt tiềm năng", các tác giả đã chỉ ra 3 phong cách quản lý thường gặp cùng lựa chọn tốt nhất mà mọi nhà quản lý cần hướng đến.
1. Quản lý vi mô
Người quản lý vi mô liên tục dò xét và ra lệnh, không bao giờ nhượng quyền kiểm soát hoặc sở hữu cho ai khác. Thật ra, nhà quản lý vi mô tạo ra chướng ngại cản bước tiến của nhân viên thay vì là "người dọn đường". Họ liên tục dò xét và kiểm tra, không bao giờ từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát hoặc quyền sở hữu cho bất kỳ ai.
Chúng ta thường nói nhà quản lý vi mô là kiểu người "chú trọng tiểu tiết". Nói chính xác hơn, nhà quản lý vi mô điển hình là một nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu cảm giác an toàn, người không có lòng tin rằng nhân viên của mình sẽ hoàn thành tốt công việc.
Mặc dù bản thân họ không nhận ra, nhưng nhà quản lý vi mô đã tự đẩy mình vào tình huống khổ sở khi phải một tay chống đỡ cả tòa nhà. Thêm vào đó, họ không phát triển và bồi dưỡng được những người kế nhiệm giỏi giang, gây ra sự thiếu hụt nhân sự lãnh đạo và khiến người tài đi mất.
Như Jim Collins viết trong quyển sách How the Mighty Fall (tạm dịch: Người khổng lồ gục ngã): "Mọi doanh nghiệp xuất sắc đều phụ thuộc trước tiên và chủ yếu vào việc có đội ngũ nhân viên biết tự quản lý và tự tạo động lực làm việc".
2. Quản lý bỏ mặc
Người quản lý bỏ mặc thường giao trách nhiệm nhưng không hỗ trợ nhân viên hoàn thành trách nhiệm. Họ phủi tay với trách nhiệm rồi biến mất mà không mang đến sự hỗ trợ hoặc nguồn lực tương xứng.
Đôi khi kẻ phó mặc sẽ từ bỏ công việc, rời trụ sở, lái xe biến mất trong ánh hoàng hôn và bỏ lại các thành viên trong nhóm của mình tự vật lộn với công việc.
Dù có vẻ khó nhận ra hơn so với kiểu quản lý vi mô, nhưng quản lý theo kiểu phó mặc cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với con người và các thỏa thuận về hiệu quả làm việc. Thay vì thể hiện sự tin tưởng, người quản lý kiểu phó mặc truyền đạt thông điệp rằng họ không quan tâm đến những người họ lãnh đạo và thậm chí - có thể là trong vô thức - xem những người đó như con chốt thí.
Chúng ta rất dễ nghĩ "nhà quản lý vi mô" hoặc "nhà quản lý phó mặc" là những thế lực thù địch bên ngoài đang xâm nhập vào tổ chức của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy bản thân có mặt trong cả hai nhóm lãnh đạo đó - thậm chí có thể là đồng thời.
Ví dụ, giả sử chúng ta đang chịu trách nhiệm cho một dự án lớn. Khi các bản báo cáo tiến độ bắt đầu khiến chúng ta lo lắng, chúng ta cảm thấy "không có sự lựa chọn nào khác" ngoài nắm quyền kiểm soát. Việc đó sẽ chiếm hết thời gian của chúng ta, nhưng chúng ta nghĩ: "Mình phải làm việc mình phải làm".
Kết quả là các dự án khác ít được quan tâm hơn. Các nhân viên trong những dự án đó cũng cần được hướng dẫn và hỗ trợ, nếu không thì các dự án của họ sẽ đi lệch hướng. Chúng ta nhanh chóng rơi vào tình huống phải dập lửa ở khắp nơi.
3. Lãnh đạo khai thông
Người lãnh đạo khai thông không quản lý vi mô cũng không bỏ mặc nhân viên. Họ không liên tục "rình mò" và giành quyền kiểm soát khi cho rằng sự việc không đi đúng hướng. Họ cũng không biến mất rồi bất thình lình xuất hiện để sửa chữa sai lầm của đội nhóm.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo khai thông sẽ đồng hành và hỗ trợ nhân viên khi họ thực hiện những mục tiêu chung đã được hai bên nhất trí. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ và loại bỏ trở ngại cho các thành viên trong nhóm khi các thành viên nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Nhà quản lý khai thông sẽ đi trước và tháo gỡ những rào cản trên con đường dẫn đến thành công. Đây là phong cách lãnh đạo mà mọi nhà quản lý nên hướng tới.
Một cách để hình dung vai trò của nhà lãnh đạo khai thông là nghĩ đến hình ảnh tàu phá băng - một loại tàu chuyên dụng để phá các tảng băng và dọn đường cho các tàu khác ở những vùng biển băng giá. Chuyến tàu phá băng có thân hình chắc chắn, có thể đâm vỡ tảng băng và đẩy các mảnh băng vụn sang hai bên để các con tàu khác có thể đi qua. Tàu phá băng giữ cho tuyến đường biển đóng băng được thông thoáng quanh năm.
Người lái tàu phá băng phải có rất nhiều kinh nghiệm. Họ cần am hiểu băng, biết loại nguy hiểm nào có thể xuất hiện và có khả năng lựa chọn lộ trình tốt nhất. Tình trạng băng thay đổi thường xuyên - tuyến đường dễ đi năm ngoái nay thành khó khăn; vùng nước hiện đang thông thoáng có thể đóng băng trong vòng một giờ và khiến con tàu bị mắc kẹt. Công việc của người lái tàu phá băng đòi hỏi sự tỉnh táo và sự tập trung cao độ.
Tương tự, các nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ khai thông con đường để đội nhóm của họ có thể tiến lên phía trước. Sự tập trung của họ là cực kỳ cao. Họ có thể dự đoán và cố gắng nhận ra những điều mà người khác có thể cần đến. Họ có thể quan sát những việc mà đội nhóm đang làm và nhìn thấy những gì mà các thành viên trong nhóm cần để tiếp tục tiến lên hoặc cải thiện. Họ có thể truyền đạt hoặc chia sẻ những bài học mà mình đã đúc kết. Họ có thể đào tạo. Họ có thể giúp ngăn chặn và dự đoán các cơ hội, đồng thời luôn tìm kiếm những con đường mới tốt hơn dẫn đến mục tiêu.
Bài viết được trích từ cuốn sách "Kích hoạt tiềm năng". Bốn tác giả của cuốn sách - Shawn Moon, Todd Davis, Michael Simpson, Roger Merrill - đều là chuyên gia cấp cao về cố vấn lãnh đạo và phát triển tài năng từ FranklinCovey. Phần lớn nội dung cuốn sách được viết dựa trên kết quả của quá trình làm việc giữa 4 tác giả với hàng ngàn lãnh đạo trong 30 năm qua.
"Kích hoạt tiềm năng" có lối viết logic, chặt chẽ và sử dụng nhiều câu chuyện minh họa thú vị xen kẽ. Cuốn sách sẽ giúp các nhà quản lý xây dựng một đội ngũ xuất chúng dựa vào việc kích hoạt tiềm năng của các thành viên.
Đăng thảo luận