Đâu là "bí quyết" giúp tỉnh này vượt trội so với các địa phương còn lại trong vùng?

Long An - 'điểm sáng' thu hút đầu tư  第1张

Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường hằng năm của Long An gấp 5 lần các địa phương khác trong vùng nhờ chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và không ngừng cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: AN LONG

Ông Trương Văn Liếp, giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Long An, cho biết địa phương có khoảng 700ha đất công nghiệp sạch luôn sẵn sàng tiếp nhận, mời gọi các nhà đầu tư. Các khu, cụm công nghiệp của Long An tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp với TP.HCM và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh sẵn sàng chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

  * Long An là "lá cờ đầu" thu hút vốn FDI

Với diện tích đất công nghiệp lớn, trong nhiều năm qua Long An luôn là "lá cờ đầu" trong thu hút vốn nước ngoài (FDI) vùng ĐBSCL.

Chỉ tính trong năm 2023, Long An đã tiếp nhận mới 112 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới gần 600 triệu USD, chiếm 3,7% về số dự án và gần 3% về số vốn đầu tư đăng ký cấp mới của cả nước. Trong tám tháng năm 2024, Long An tiếp tục thu hút vốn đầu tư gần bằng so với năm trước đó, khi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 76 dự án FDI với vốn đầu tư cấp mới trên 570 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 12 dự án và tăng 7,56 triệu USD).

Theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế tính đến tháng 6-2024, FDI của tỉnh Long An chiếm trên 70% số dự án và trên 38% số vốn đăng ký của khu vực ĐBSCL. Ngày 10-9 vừa qua, Đồng Tâm Group và Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) cũng chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam Á, thuộc cụm dự án Cảng quốc tế Long An.

Theo ông Liếp, Long An có lợi thế về chính trị khi là địa phương giao hai vùng kinh tế Đông - Tây Nam Bộ, giáp với TP.HCM, có đường biên giới 134km với Campuchia. Tuy nhiên, ngoài yếu tố địa lý, trong những năm gần đây Long An đã triển khai chiến lược xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách chủ động, đổi mới.

Theo đó, Long An tập trung vào hai hướng chính: trực tiếp tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các chuyến công tác, hội nghị xúc tiến đầu tư và chuẩn bị đầy đủ, bài bản các điều kiện cần thiết để đón tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó, Long An đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc...

"Những chuyến đi này không chỉ là cơ hội để tỉnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế mà còn tạo ra sự kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế quốc tế, giúp củng cố lòng tin và thắt chặt mối quan hệ đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín, tiềm lực, vị thế, thu hút đầu tư các đối tác. Tính đến nay, Long An đã ký kết và thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với bảy địa phương của Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức", ông Liếp nói.

Long An đang có hơn 18.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 386.470 tỉ đồng. Trong đó, hơn 14.470 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo VCCI, mỗi năm Long An bổ sung hơn 1.700 - 1.800 doanh nghiệp mới hoạt động, gấp 5 lần các tỉnh khác trong vùng.

Long An cũng được biết đến là địa phương đi đầu trong vấn đề "chăm sóc khách hàng" là doanh nghiệp tại chỗ. Hiệu quả từ việc này đã có sự lan tỏa truyền thông rất lớn, khi chính các nhà đầu tư hiện hữu sẽ truyền thông đến các nhà đầu tư mới về môi trường đầu tư, sự cam kết đồng hành hỗ trợ của địa phương trong suốt quá trình từ nghiên cứu, khảo sát đến triển khai, mở rộng dự án...