Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị cáo buộc chỉ đạo đưa hai doanh nghiệp đi tiền "cửa sau" vào danh sách trúng liên tiếp các gói thầu cung cấp giấy in sách.

Ngày 23/9, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục), bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

NXB Giáo dục Việt Nam được thành lập từ năm 1957 do Nhà nước sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ 596 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của NXB Giáo dục là tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành các loại sách giáo dục, giáo trình điện tử, bản đồ, thiết bị, đồ dùng học tập, vở học sinh. Các trang thiết bị này dùng để phục vụ giảng dạy và học tập của các ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.

Theo cơ quan điều tra, đơn vị này thường xây dựng dự toán các gói thầu dựa trên giá trúng thầu của năm trước cộng thêm 10%, không căn cứ vào quy định và không có hồ sơ dự toán.

Giữa năm 2017, ông Thái nhận lời giúp đỡ Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy Minh Cường Phát tiếp tục cung cấp giấy cho NXB Giáo dục. Để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, ông Thái chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trưởng ban kế hoạch Marketing) và Đinh Quốc Khánh (Phó phòng In, phát hành) tổ chức mua sắm theo phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn".

Từ đó, bà Thủy giao ông Khánh lập tờ trình về kế hoạch mua sắm giấy in ruột, bìa in sách giáo khoa, sách bài tập và kế hoạch chào hàng cạnh tranh mua sắm. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu in sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học 2018-2019. Trong đó, phương thức lựa chọn nhà thầu là "một giai đoạn, một túi hồ sơ", chia thành 7 gói thầu.

'Lợi ích nhóm' trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa  第1张

Các bị can Ngọc, Thái, Thủy, Khánh (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an

Mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục. Dù không bắt buộc phải áp dụng quy định của Luật Đấu thầu để tổ chức mua sắm giấy in, song năm 2017, NXB Giáo dục đã lựa chọn mua sắm theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn.

Việc làm này bị C03 đánh giá là trái quy định, khi các gói thầu đều có giá trị lớn hơn một tỷ đồng. Trong khi pháp luật hiện hành chỉ cho phép chào hàng cạnh tranh rút gọn có giá trị các gói thầu không quá một tỷ đồng và gói thầu mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.

Từ năm 2018, NXB Giáo dục thay đổi phương thức, chuyển sang thực hiện theo quy định do Hội đồng thành viên ban hành để áp dụng cho việc mua sắm thường xuyên giấy in sách giáo khoa. Quyết định của của HĐTV cho ông Thái là chủ tịch có nêu về quy trình thực hiện mua sắm và không ban hành định mức áp dụng.

Nổi bật trong đó có mục "lựa chọn danh sách ngắn", bao gồm ít nhất 3 nhà cung cấp có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu các gói thầu.

Ban kế hoạch Maketing của bà Thủy và ông Khánh chịu trách nhiệm lập danh sách ngắn gồm hồ sơ của 6 nhà thầu gửi đến trình ông Thái phê duyệt. Quy định này được áp dụng từ năm 2018 đến 2021 với 26 gói thầu mua sắm giấy in của NXB Giáo dục, tổng trị giá hơn 2.660 tỷ đồng.

Giữa tháng 8/2017, trước khi ký yêu cầu báo giá và phát hành hồ sơ, ông Thái yêu cầu bà Thủy và ông Khánh cung cấp thông tin các gói thầu cho Tô Mỹ Ngọc (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty CP) để chuẩn bị hàng, giá mà doanh nghiệp đó tham gia.

Hai người sau đó in một bảng thông tin gồm thông số kỹ thuật các loại giấy, số lượng gói thầu, địa điểm các kho giao hàng để cung cấp cho bà Ngọc. Trước khi ký thông báo mời thầu, ông Thái điện cho bà Ngọc hỏi trước về giá dự kiến bỏ thầu để đảm bảo chắc chắn không bị "trượt". Kết quả, Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 trên 6 gói thầu.

Bị can Thủy khai về công tác tại NXB Giáo dục từ tháng 7/2017 nên chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Mọi việc bà đều nhận lệnh từ ông Thái sau đó chỉ đạo ông Khánh thực hiện. Giữa năm 2017, bà Thủy được ông Thái chỉ đạo "gặp và giúp đỡ" cho bà Ngọc nên đã cung cấp bảng thông tin về thông số kỹ thuật, số lượng, kho hàng liên quan đến các gói thầu. Đấu thầu xong, Thủy được Ngọc gặp "cảm ơn" 300 triệu đồng.

Bị can khai đã cầm túi tiền lên báo cáo song được ông Thái "chỉ đạo giữ lại để bồi dưỡng". Thủy lấy 200 triệu đồng chi tiêu còn lại đưa cho Ban kế hoạch tài chính và Ban kế hoạch Marketing, mỗi ban 50 triệu đồng cho vào quỹ.

Với Công ty Minh Cường Phát, bà Thủy cũng nhận "lệnh" từ ông Thái để cho doanh nghiệp này trúng thầu gói thầu số 7 cung cấp giấy bìa Couché.

Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi "thông thầu" của các bị can gây thiệt hại trong các gói thầu là hơn 10 tỷ đồng. Sau khi giúp đỡ hai doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in, ông Thái đã nhiều lần nhận hối lộ, tổng 24,9 tỷ đồng.

Theo C03, giá giấy in chiếm 30-40 % cơ cấu giá bán sách giáo khoa nên việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách. Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực và giá bán thấp. Từ đó không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

C03 kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của NXB Giáo dục. Trong đó phải cho kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo Bộ về kết quả chọn nhà thầu.

Trước những sai phạm trên, ngày 23/9, bà Ngọc và Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ. Bị can Thủy, Khánh, cùng Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải, đều là Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục; Phạm Gia Thạch, thành viên HĐTV NXB Giáo dục, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm Dự