5 người chết do mưa lũ
Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 6, tại khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to; cục bộ có nơi trên 1.000mm. Điển hình như đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.500mm, hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.250mm…
Mưa lớn đã gây ngập lụt diện rộng, khiến nhiều địa phương khu vực miền Trung chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Tính đến hết ngày 31/10, Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã thống kê có 5 người bị chết (đều trú tại Quảng Bình) do mưa lũ. Ngoài ra còn có 5 trường hợp khác bị thương.
Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ sau bão số 6.Số liệu của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai cũng cho biết, tại Thừa Thiên Huế đã ghi nhận 235 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; trong khi tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị ghi nhận lần lượt 60, 18 và 5 ngôi nhà gặp tình cảnh tương tự.
Sản xuất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng lớn do mưa lũ với 1.269ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 1.506 con gia súc và 104.699 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, cùng với đó là hàng chục ngàn héc-ta nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại.
Mưa lũ do bão số 6 cũng đã khiến 145 vị trí đường giao thông bị sạt lở; 28,5km kè, kênh mương bị hư hỏng. Hiện, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại; đồng thời tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6.
Chủ động ứng phó mưa lũ lớn
Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn số 1297/TCKTTV-QLDB, từ ngày 3 - 10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn; sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt mưa lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đã có văn bản gửi 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung và các bộ, ngành đề nghị tập trung triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới.
Theo đó, cùng với khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh, TP: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, các địa phương chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Tập trung rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũn lưu ý các tỉnh, TP cần lên phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định. Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông và duy trì hệ thống điện, thông tin liên lạc…
Bên cạnh đó, các bộ ngành và 13 tỉnh, TP cần thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi tại miền Trung đang ở mức cao. Tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, hiện có tổng số 11 hồ chứa thuỷ điện vận hành điều tiết qua tràn và 13 hồ chứa thuỷ lợi vận hành xả tràn để bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du.
#box1730382520723{background-color:#ebffec}
Đăng thảo luận