YênBái - Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số ki-lô-mét sử dụng.
Đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái thực hiện đăng kiểm phương tiện cho người dân
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chu kỳ đăng kiểm tính theo thời gian hoạt động của phương tiện như hiện nay đã xuất hiện những bất cập, đặc biệt trong thời gian gần đây, tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đã khiến các chủ phương tiện mất rất nhiều thời gian, công sức.
Cảnh lái xe phải chật vật chờ đăng kiểm trong khi chủ quan mà nói, những chiếc xe ô tô của mình vẫn còn rất tốt, các thông số kỹ thuật vẫn được đảm bảo, việc đi đăng kiểm chẳng qua là thủ tục hành chính bắt buộc đã trở nên quen thuộc.
>> Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kiểm định theo số km thay vì thời gian sử dụng
Ông Trần Quang Anh ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái mua chiếc ô tô Honda City từ đầu năm 2014, tính đến nay đã qua 9 năm sử dụng. Tuy nhiên, chiếc xe mới chỉ vận hành được 20.000 km, mọi chi tiết trên xe đều còn rất mới và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Qua rất nhiều lần đi đăng kiểm, xe ô tô của ông Quang Anh đều được cấp phép đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường mà không phải sửa chữa gì.
Ông Anh chia sẻ: "Tôi mua xe về chủ yếu là... để trong gara, cuối tuần mới chạy hơn chục cây số về quê thăm mẹ già. Xe đi ít thế này mà hàng năm cứ phải đăng kiểm là rất lãng phí tiền bạc và thời gian. Cho nên tôi rất ủng hộ quan điểm tính chu kỳ đăng kiểm bằng số ki-lô-mét xe chạy”.
>> Quá tải ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái
Chị Hảo Đỗ là một giáo viên, do nhà trường nơi chị công tác cách nhà không xa nên chiếc xe KIA Morning của chị chỉ chạy khoảng 3 km mỗi ngày và 5 ngày/tuần, chưa kể những ngày thời tiết thuận lợi, chị đến trường bằng xe đạp, những hôm đi hội nghị, hội thảo, tập huấn... chị đi xe chung với đồng nghiệp. Theo chị, xe đi ít như thế mà vẫn phải đi đăng kiểm theo chu kỳ thời gian là rất vô lý.
Chị Hảo Đỗ bày tỏ: "Đọc báo thấy Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo như vậy tôi rất ủng hộ và rất mừng. Tôi cho rằng, việc quy định chu kỳ đăng kiểm tính theo số ki-lô-mét xe đã chạy còn công bằng hơn trong việc tính phí bảo trì đường bộ. Xe đi nhiều, hỏng đường nhiều thì đóng phí nhiều hơn và ngược lại”.
Phần đông ý kiến của những chủ ô tô không kinh doanh vận tải, đi lại ít đều ủng hộ chủ trương bãi bỏ cách tính chu kỳ đăng kiểm theo thời gian, thay vào đó là quy định bằng số ki-lô-mét thực tế xe đã chạy. Tuy nhiên có không ít ý kiến lo lắng.
Ông Cường - chủ gara ô tô Mạnh Cường ở ngõ 235, đường Hòa Bình, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Đăng kiểm xe theo số ki-lô-mét xe chạy nghe có vẻ hợp lý nhưng có khe hở mà "con trâu cũng chui lọt”, đó là việc thao tác tua đồng hồ công tơ mét rất đơn giản, chỉ tốn vài phút công tơ mét đang ở hàng chục vạn km đổi thành vài trăm, vài nghìn, nói đúng hơn là muốn đặt số km bao nhiêu cũng được. Tua lại đồng hồ công tơ mét là chiêu trò khá phổ biến của những người buôn xe cũ. Nên nếu quy định chu kỳ đăng kiểm tính bằng số ki-lô-mét xe chạy thì tôi thấy khó cho việc kiểm tra, giám sát và xử lý”.
Thực tế, các phương tiện như xe khách, xe ghép (hình thức chở khách đang thịnh hành như hiện nay) là di chuyển quãng đường nhiều nhất.
Tài xế Anh Dũng có chiếc xe bán tải For Ranger làm dịch vụ xe ghép chuyên tuyến Mậu A - Hà Nội cho biết: "Tính bình quân xe của tôi mỗi tháng chạy không dưới 20.000 km”. Như vậy mới thấy sự chênh lệch trong sử dụng phương tiện giữa anh Dũng tài xế xe ghép với cô giáo Hảo Đỗ hay ông Quang Anh.
Phát biểu của một chuyên gia ô tô trên diễn đàn ô tô Fun cũng rất đáng lưu ý: "Đừng nghĩ chiếc xe quá ít đi là tốt, là an toàn; thậm chí xe để trong gara lâu ngày mà không đi sẽ khiến nhiều bộ phận bị hư hỏng, mục lốp là một thí dụ. Đi nhiều lốp mòn là đương nhiên nhưng không đi thì lốp sẽ nhanh mục. Lốp xe đã qua sử dụng 5 đến 7 năm, cao su đã có dấu hiệu mục mà lăn bánh trên đường cao tốc những ngày thời tiết nắng nóng thì cực kỳ nguy hiểm”.
Ngày 21/3/2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có hai nội dung đáng chú ý là miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới.
Thông tư mới của Bộ Giao thông - Vận tải đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thay đổi quy định chu kỳ đăng kiểm từ cách tính thời gian sang số ki-lô-mét ô tô đã chạy còn rất nhiều khó khăn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo tính khả thi cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ trong việc giám sát hành trình cũng nên được tính đến.
Theo đó, bắt buộc xe sản xuất mới (bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu) phải có thiết bị giám sát hành trình, những xe muốn được áp dụng số ki-lô-mét xe chạy cho chu kỳ đăng kiểm phải có giám sát hành trình đạt chuẩn... cũng rất đáng được nghiên cứu, xem xét.
Làm gì để cuộc sống trở nên công bằng, để thuận lợi cho người dân và phù hợp với xu thế của thế giới mà vẫn phải đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đó là đích của mọi thay đổi trong vấn đề đăng kiểm xe cơ giới.
Lê Phiên
Tags đăng kiểm xe cơ giới chu kỳ kiểm định xe cá nhân xe kinh doan
Đăng thảo luận