Buổi sáng hổ báo, buổi chiều lên phường.
Ép tài xế quỳ xin lỗi sau va chạm giao thông ở Bình Dương, Trần Tấn Phong, 46 tuổi, bị bắt ngay trong đêm cùng ngày. Bài học này có được những kẻ côn đồ chỉ biết làm nhục người khác lĩnh thấu?
Hồi tháng 7, cũng có vụ người đàn ông đi ôtô trên đường số 9, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức (TP HCM) xuống xe đánh tới tấp nam thanh niên. Người này sau đó đã bị công an mời lên làm việc vì hành vi đánh người.
Nếu không kể ý thức, với đặc thù đường xá ở Việt Nam, nguy cơ xảy ra va quẹt, mâu thuẫn trên đường không phải thấp. Vì thế, một khoảng thời gian lại thấy có tin các tài xế gây gổ, đánh nhau.
Có lần tôi đi xe dịch vụ, thấy anh tài xế thủ sẵn một cây gậy ba khúc, tôi hỏi để làm gì thì anh trả lời là "phòng thân". Từ một dụng cụ được cho là "phòng thân", rất có thể nó sẽ trở thành vật tấn công người khác, nếu không kiềm chế.
Tài xế quỳ lạy Phong trên đường sau va chạm giao thông được camera nhà dân ghi lại, những khung màu đỏ là chức năng nhận diện người. Ảnh: Cắt từ Camera an ninh
Ông Phong bắt ép người khác quỳ xin lỗi mới bỏ qua, một khúc xương bò cũng trở thành dụng cụ để ông đập vỡ kính xe người khác. Nếu không phải anh Sang, mà một tài xế nào đó cũng thủ sẵn dụng cụ "phòng thân", thì ông Phong có lành lặn ngồi trên phường hay không?
Nhất là lấy trường hợp này để rút bài học cho mình: mắt thần camera nhà dân bây giờ ở đâu cũng có. Những hành động côn đồ sẽ được camera quay lại, làm bằng chứng xử lý theo pháp luật.
Và công lý sẽ đến rất nhanh nhờ những bằng chứng từ camera này: biển số xe, mặt mũi, hành động... đều được ghi lại. Bởi thế mà buổi sáng hổ báo, buổi chiều đã lên phường ngồi.
Vĩnh Phan
Đăng thảo luận