Bắc NinhLê Văn Dũng khai không tỉnh táo vì rượu bia nên nhận nhầm chiếc Exciter trước cửa quán karaoke là của mình, tự tin dắt về, còn VKS xác định đây là hành vi trộm cắp.
Ngày 14/8, bị cáo Dũng, 30 tuổi, quê Phú Thọ, bị TAND huyện Tiên Du xét xử vì tội Trộm cắp tài sản. Cùng vụ án, Ngân Văn Đạt, 32 tuổi, quê Nghệ An và Lê Phi Chuẩn, 33 tuổi, quê Thanh Hóa, bị xét xử về tội Cố ý gây thương tích. Trong hành vi của Đạt, Chuẩn, bị hại chính là bị cáo Dũng.
Cáo trạng xác định, 22h ngày 3/12/2023, Dũng cùng 15 người đến tầng 3 quán karaoke Family ở xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du. Cùng thời gian, Đạt, Chuẩn tổ chức sinh nhật ở tầng hai quán này. Anh Quyền tới dự, để xe máy Exciter bên ngoài, không khóa cổ khóa càng.
VKS cáo buộc, nửa đêm khi ra về, thấy xe của anh Quyền, Dũng "nảy sinh ý định" trộm cắp. Dũng lấy chìa khóa mang theo cắm vào ổ khóa, không mở được nên dắt xe về nhà.
Từ phải qua, bị cáo Dũng, Chuẩn, Đạt tại tòa ngày 14/8. Ảnh: Danh Lam
10 phút sau, nhóm Đạt, Chuẩn ra về, không thấy xe đã báo chủ quán. Chủ quán gọi con rể đi tìm và bắt gặp Dũng đang dắt bộ xe, cách đó 600 m nên yêu cầu đứng lại, gọi người của quán ra.
Nhân viên của quán nhận ra Dũng là khách vừa hát đã tát 2 cái rồi về gọi nhóm Đạt, Chuẩn, anh Quyền (chủ xe) cùng người nhà chủ quán ra. Khi ra, tất cả khai "thấy Dũng đang nằm dưới đất" và bắt đầu tra hỏi. Đạt và Chuẩn đá vào Dũng, được mọi người can ngăn nên dừng lại. Dũng sau đó được con rể chủ quán đưa về nhà.
Dũng bị nhiều chấn thương trên mặt, cơ thể, gãy gò má, tổng thương tích 15%. Vợ Dũng trình báo việc chồng bị đánh. 4 ngày sau, anh Quyền có đơn tố giác Dũng có hành vi trộm cắp tài sản.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Dũng kêu oan, trình bày thường ngày sử dụng xe của em trai đi làm, là chiếc xe Exciter giống hệt. Tối đó do uống nhiều bia, không tỉnh táo, tưởng xe của anh Quyền là xe của mình nên tự tin ngồi lên.
Được xem lại hình ảnh hai xe máy (của anh Quyền và của em trai Dũng) và các đoạn camera của quán karaoke quay lại cảnh này, Dũng nói thử tra chìa khóa 3 lần không thấy nổ máy, tưởng xe bị hỏng. Dũng do đó gọi điện nhiều lần cho em trai báo xe hỏng bảo đến đón mình nhưng em đã ngủ, không bắt máy. Dũng dắt bộ xe về nhà.
Hình ảnh so sánh hai chiếc xe liên quan vụ án được trình chiếu tại tòa. Ảnh: Giang Thanh
Dũng khai khi đang dắt xe, có người đứng chặn đầu yêu cầu dừng lại, sau đó có nhóm người lao đến đánh, song không rõ có những ai. Họ móc điện thoại trong túi Dũng, yêu cầu mở khóa điện thoại nhưng do say không nhớ mật khẩu, mặt đang biến dạng chảy máu vì bị đánh, không thể mở bằng Face ID. Con gái chủ quán cho rằng đây là điện thoại ăn cắp, vì thế cầm đi. Do đông người uy hiếp, bị cáo nói sợ, không dám phản đối gì.
Dũng nói là nhân viên quản lý tại công ty nước ngoài, lương tháng trên 20 triệu đồng, vợ kinh doanh tự do, thu nhập tương đương. Bị cáo nói không nợ nần, không khó khăn kinh tế, thu nhập tốt, đã mua nhà riêng, có một ôtô và một xe máy SH, không có động cơ để trộm cắp, dắt nhầm xe vì say rượu không phân biệt được.
Trả lời về đoạn đường dắt xe về, bị cáo khai có nhiều lối đi nhưng chọn lối đó vì là đường lớn, có điện sáng và hay có người qua lại nhất.
Hai bị cáo Chuẩn và Đạt đều khai, khi người của quán báo tin, họ đến nơi đã thấy Dũng nằm dưới đất, mặt đầy máu. Mỗi bị cáo đạp thêm Dũng một phát vào lưng thì dừng lại. Các vết thương khác trên người Dũng, đặc biệt xương má gãy, không phải do họ gây ra song cũng không biết do đâu.
"Thấy người ta bị thương như vậy còn đạp thêm làm gì, có ai xúi giục?", VKS hỏi. Chuẩn và Đạt đáp không ai xúi, thấy tức vì bạn bị trộm xe nên đá cho đỡ tức.
Luận tội sau đó, VKS cho rằng không có cơ sở xác định Dũng "dắt nhầm xe", do bị cáo biết rõ mình đi nhờ xe bạn đến quán, khi mở khóa 3 lần không được, không xem lại biển số, không nhờ người khác (ví dụ nhờ nhân viên quán trợ giúp) hoặc để lại xe mà lại dắt về. Điều này chứng tỏ là hành vi cố ý, không thể nói dắt nhầm.
Kiểm sát viên do đó đề nghị mức án 10-12 tháng tù cho Dũng; hai bị cáo Chuẩn và Đạt 10-12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Luật sư: Thân chủ không túng quẫn đến mức phải trộm cắp
Bào chữa cho Dũng, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng hành vi của thân chủ không thỏa mãn các yếu tố của tội Trộm cắp tài sản - tội danh được thực hiện một cách cố ý, thực hiện mong muốn đó bằng hành vi lén lút.
"Lén lút gì mà 3 lần cố mở xe ăn cắp bằng chìa khóa xe của mình, không mở được còn ngồi trên xe mấy phút liền bấm điện thoại; lén lút gì mà chọn đường lớn nhất to nhất sáng nhất để chạy trốn, rồi đến lúc bị phát hiện chặn đường lại đứng lại nói chuyện chứ không bỏ chạy?", luật sư nêu quan điểm và cho rằng điều đó thể hiện Dũng có ý thức không làm điều gì khuất tất hay vi phạm pháp luật.
Theo luật sư, trong các trường hợp trộm cắp xe máy, kẻ trộm không mở được khóa xe thường bỏ xe chứ không dắt bộ một quãng đường dài như vậy vì dễ bị bắt. Nếu bị phát hiện, kẻ trộm sẽ chống trả hoặc bỏ chạy. Cơ quan điều tra cũng xác minh Dũng không nợ nần ai, thu nhập cao, có tài sản; không có biểu hiện túng quẫn, thiếu thốn.
Luật sư cho rằng Dũng không có động cơ, mục đích phạm tội. Do đó, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu không xác định được động cơ mục đích phạm tội thì phải kết luận người đó không phạm tội.
Trình chiếu video một người trong nhóm quay lại khi "bắt" được Dũng đã hô lên "đối tượng này đã dắt nhầm xe", luật sư cho rằng đây là minh chứng cho việc ngay từ đầu "họ đều nhận thức đây không phải hành vi trộm cắp".
Sự việc xảy ra hôm 3/12, hôm sau vợ Dũng trình báo chồng bị đánh và 4 ngày sau, chủ xe mới tố cáo bị trộm xe. Luật sư Thanh trích biên bản lời khai của chủ xe (anh Quyền), tại đây anh lý giải "sở dĩ làm đơn tố cáo Dũng vì vợ Dũng tố cáo hai người bạn mình (Đạt, Chuẩn) chứ không có ý định tố cáo Dũng từ đầu". Với dẫn chứng này, luật sư cho rằng chủ xe ban đầu cũng không coi việc này là trộm cắp.
Các luật sư tại tòa. Ảnh: Danh Lam
Tiếp tục bào chữa, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không làm rõ được thương tích nặng nhất là xương má bị gãy của Dũng do ai gây ra. Điều này trái với lời khai của Đạt và Chuẩn về việc "đến nơi đã thấy Dũng nằm ra đường, tay ôm đầu, mặt đầy máu", chỉ đá Dũng một lần vào lưng.
Luật sư cho rằng việc nhóm người móc điện thoại trong người Dũng và con gái chủ quán sau đó mang về, có dấu hiệu của tội Cướp tài sản nhưng không bị truy cứu.
Phân tích bối cảnh thân chủ bị nhóm người vây đánh trọng thương khi chỉ có một mình, tự ý chiếm giữ tài sản của Dũng, luật sư Tuyên nói pháp luật không cho phép ai đó chỉ vì sự nghi ngờ mà có quyền xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác, "ngay cả khi bắt giữ được người phạm tội quả tang".
VKS: Trộm cắp với mục đích gì cũng là trộm cắp
Đối đáp 3 lượt sau đó về nhiều nội dung, đại diện VKS cơ bản giữ quan điểm Dũng không "dắt nhầm xe", vì hành vi đã hoàn thành nên dù bị cáo chiếm sau đó sử dụng vào mục đích gì, đi bán, làm kỷ niệm, hay chỉ để ở nhà cũng là phạm tội.
Về việc chưa xác định được ai gây ra thương tích trên mặt cho Dũng, VKS không đáp thẳng song cho rằng việc trộm cắp luôn gây bức xúc lớn cho nhân dân "nên việc người bị bắt quả tang bị đánh hội đồng rất nhiều". Người dân Việt Nam rất hiếu kỳ, không liên quan vẫn đứng xem, quay video... Đây cũng có thể coi là trường hợp trộm bị bắt quả tang gây bức xúc. Việc đánh Dũng cũng do bức xúc mà ra.
VKS khẳng định cơ quan điều tra đã cho Dũng tiếp xúc nhận dạng nhiều lần với nhóm người của quán hôm đó, nhưng bị cáo không nhớ và không chỉ ra được ai đánh mình. Kiểm sát viên cho rằng cơ quan điều tra sẽ điều tra tiếp chứ không phải là không xử lý, do đó bác quan điểm vụ án đã bỏ lọt tội phạm.
Việc con gái chủ quán cầm điện thoại của Dũng, theo VKS không phạm tội Cướp tài sản, do chị này khai đã hỏi Dũng mật khẩu nhiều lần song không nhớ, không mở được. Dũng không chứng minh được đây là điện thoại của mình.
"Hơn nữa tại quán có báo mất một chiếc điện thoại nên hành vi của bị cáo liên quan sự nghi ngờ trộm cắp. Bị cáo lại không chứng minh được điện thoại trong người là của mình nên không có căn cứ nào để chị kia đưa lại điện thoại", VKS nói.
Phản đối quan điểm này, luật sư Tuyến nêu nếu ai cũng lấy lý do nghi người khác trộm cắp để tự ý xâm phạm, chiếm đoạt tài sản mà không bị xử lý, sẽ tạo tiền lệ xấu. Con gái chủ quán không có quyền buộc Dũng phải chứng minh đồ đạc trong người là của mình. Nếu chị này muốn buộc Dũng đã lấy cắp điện thoại, phải đưa ra căn cứ chứ không thể tự ý chiếm giữ mang về.
Luật sư nói và so sánh cùng là việc "tước đoạt tài sản", cùng khai là không có ý định, động cơ trộm cắp, nhưng hành vi của thân chủ bị xử lý, còn của con gái chủ quán lại không, là "chưa công bằng".
Sau nhiều lượt đối đáp, đôi bên không thay đổi quan điểm.
Nhận định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX quyết định nghị án dài, tuyên án vào sáng mai.
Thanh Lam
Đăng thảo luận