Những thai phụ tại Lebanon và Gaza phải đối mặt với nỗi lo chồng chất, khi sự sống mới hình thành bên trong họ nhưng hiểm nguy vẫn luôn thường trực bên ngoài.
Bác sĩ Nicolas Baaklini theo dõi trẻ sinh non trong lồng ấp - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, tình hình xung đột ở Trung Đông đang leo thang chưa thấy hồi kết. Điều này mang lại vô vàn hậu quả, không chỉ đối với đời sống của người dân mà còn với những sinh mạng chưa chào đời.
Bị tổn thương từ trong bụng mẹ
Ông Nicolas Baaklini, bác sĩ sản phụ khoa hành nghề tại thủ đô Beirut (Lebanon), cho biết tình trạng sinh non và thai nhi tử vong trong bụng mẹ đã tăng đáng kể từ khi cuộc xung đột tại nước này nổ ra hồi cuối năm 2023.
Nguyên nhân chính được cho là hậu quả của những cuộc đánh bom thường xuyên do quân đội Israel tiến hành.
Nhìn lại một năm xung đột Israel - Hamas ở Dải GazaĐỌC NGAY
"Áp lực từ các trận không kích sẽ làm nước ối vỡ, dẫn đến các cơn co thắt và sinh non. Ngoài ra, các hành động mạnh như chạy, té ngã hay chấn thương vùng bụng cũng dẫn đến các cơn co thắt này", ông Baaklini cho biết.
Vị bác sĩ cũng nhấn mạnh điều khiến ông sốc nhất là sự gia tăng số ca thai nhi tử vong trong bụng mẹ.
"Trẻ sinh ra có nhiều dị tật, và một số đồng nghiệp cũng đã nhận thấy điều tương tự.
Trước đó, trong một năm (tôi gặp) hai ca thai lưu. Đột nhiên số ca đã lên đến khoảng 15 ca chỉ trong hai tháng. Điều đó cho thấy có gì đó không ổn", ông nói thêm.
Không chỉ Lebanon, các bác sĩ ở Dải Gaza cũng ghi nhận sức khỏe trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng. Cân nặng của trẻ mới sinh giảm khoảng 30% so với trung bình tại khu vực này, theo Hãng tin Al Jazeera.
Y tế thiếu thốn, phòng khám quá tải
Điều kiện sống tạm bợ trong trại tị nạn - Ảnh: WASHINGTON POST
Chị Tahani Yassine (36 tuổi) trước đây sinh sống tại Guinea Xích Đạo. Tuy nhiên chị đã chọn trở về quê nhà Beirut để sinh con vì tin tưởng vào dịch vụ sức khỏe của Lebanon.
Nhưng chỉ sau vài ngày, chị đã hối hận khi Israel tăng cường chiến sự ở Lebanon, trong đó có khu vực ngoại ô Beirut gần nhà chị.
Tuy không bị đánh trực tiếp nhưng cuộc tấn công diễn ra rất gần và để lại dư chấn. Lo lắng cho sự an toàn của đứa con chưa chào đời, chị Tahani lập tức chuyển đến một căn hộ gần Bệnh viện Trad ở trung tâm thủ đô Beirut, cách đó khoảng 90km, khi thai kỳ còn khoảng ba tháng.
"Các bác sĩ nói tôi đã đi quãng đường quá xa khi đang mang thai. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại và sinh con ở đây", chị chia sẻ với Hãng tin Reuters vài giờ sau hạ sinh vào ngày 10-10.
Hàng ngàn người khắp thế giới biểu tình nhân 1 năm chiến tranh bùng nổ ở Dải Gaza
Ngoại trưởng Iran điện đàm với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cảnh báo đáp trả Israel quyết đoán
Chị Tahani là trường hợp may mắn khi đứa bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhưng vẫn còn khoảng 11.600 phụ nữ mang thai ở Lebanon, trong đó khoảng 4.000 người dự kiến sinh trong 3 tháng tới, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA).
Nhiều người trong số họ bị di dời và phải chịu cảnh thiếu nơi ở, dinh dưỡng, vệ sinh và cơ sở vật chất.
"Số ca sinh lên đến 70 ca mỗi ngày, đến mức phòng sinh không thể chứa nổi. Chúng tôi phải tiến hành một vài ca trong những căn phòng không chuyên dụng, thậm chí là ngay cả trên sàn nhà", chị Nour Mwanis, nữ hộ sinh ở Bệnh viện Al-Awda tại Gaza, chia sẻ.
Không chỉ thế, việc tiếp cận chăm sóc trước sinh và sau sinh ngày càng khó khăn khi thiếu thốn nước sạch, đồ ăn sạch và dụng cụ vệ sinh. Điều này dẫn đến việc tăng nguy cơ viêm nhiễm hậu sản cho người mẹ.
Chị Nour cho biết: "Nhiều người phụ nữ quay lại (bệnh viện) với vết khâu bị nhiễm trùng do điều kiện sống quá kém. Chúng tôi đang nói đến những nhu cầu tối thiểu cho mẹ bầu sau khi sinh, tuy nhiên điều đó trở nên quá xa xỉ đối với phụ nữ ở Gaza".
Đăng thảo luận