Đối ngoại đa phương của Việt Nam tiếp tục thể hiện sự đóng góp một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới.

Năm 2023 chứng kiến một loạt hoạt động ngoại giao đa phương nhộn nhịp

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam vẫn diễn ra linh hoạt, năng động và là minh chứng cho một Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia định hình “luật chơi” và nguyên tắc của thể chế đa phương.

Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu rộng trên nhiều cấp độ từ khu vực đến toàn cầu, đa dạng về hình thức, với việc tham gia chủ động tích cực ở các tổ chức, diễn đàn, hội nghị đa phương quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu”.

Năm 2023: Các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam vô cùng sôi  第1张

Cùng với việc đảm nhận các trọng trách, phát huy vai trò tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quốc tế, Việt Nam cũng đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực, quốc tế trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, sự chính nghĩa, tình đoàn kết quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cũng như xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở và bản sắc hòa hiếu, hữu nghị, nhân văn của ngoại giao Việt Nam và do đó đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ cao của bạn bè quốc tế.

Năm 2023 chứng kiến một loạt hoạt động ngoại giao đa phương nhộn nhịp của Việt Nam, nhất là ở cấp cao. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 vào tháng 10 tại Trung Quốc và tham gia Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tại Mỹ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự hàng loạt hội nghị đa phương như: Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào tháng 6 tại Trung Quốc; tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 cùng các hội nghị cấp cao liên quan tại Indonesia vào tháng 9; dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần đầu tiên vào tháng 10 tại Saudi Arabia; dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 tại UAE và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao lần đầu tiên Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (12/2023)...

Hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên ASEAN

Trong kết quả chung của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên trong triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng; chủ trì nhiều sáng kiến, hoạt động, và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quản lý Thiên tai ASEAN, Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về giáo dục, Hội nghị Quan chức Cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển, đồng chủ trì Nhóm Công tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng về gìn giữ hòa bình…. Nhiều ý tưởng của Việt Nam như Bộ Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp đã được lan tỏa, trở thành dự án chung của ASEAN.

Tổng kết sự tham gia của Việt Nam trong năm 2023, các bộ, ngành đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, và sáng tạo, đóng góp thiết thực cho thành công của ASEAN, có ý nghĩa quan trọng đối với thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

Các quan điểm, đề xuất, sáng kiến của Việt Nam đáp ứng quan tâm và lợi ích chung của các nước và khu vực, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu và hữu nghị, xây dựng và trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình vì công việc chung của cộng đồng.

Chia sẻ các kết quả của ASEAN, đại diện các bộ, ngành cho biết hợp tác chính trị-an ninh góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh thuận lợi cho phát triển; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư củng cố nền tảng vững chắc trong quan hệ giữa các quốc gia, duy trì vị trí trung tâm của ASEAN trong mạng lưới liên kết đa phương ở khu vực; hợp tác văn hóa-xã hội làm sâu sắc tinh thần gắn bó, đùm bọc, chia sẻ, hướng tới hiện thực hóa phát triển đồng đều và bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ngoại giao kinh tế đã được gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa

Quán triệt chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, bám sát tư duy, tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 21 và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, năm 2023 công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, quyết liệt và đồng bộ, đóng góp quan trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Ngoại giao kinh tế đã được gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác, được triển khai toàn diện, rộng khắp trong mọi hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và vận động, thu hút các nguồn lực phát triển chất lượng cao, nhất là đầu tư và chuyển giao công nghệ luôn là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao và là một nội hàm quan trọng trong nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là với các đối tác quan trọng. Với các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp, nhất là ngoại giao cấp cao năm 2023, trong đó việc Việt Nam đã nâng cấp và nâng tầm quan hệ với nhiều nước, nhất là các nước lớn, các đối tác kinh tế quan trọng, chủ chốt trong năm qua đã mở ra nhiều cơ hội đột phá trong hợp tác và hội nhập kinh tế giữa Việt Nam với các nước và thế giới.

Một trong những khâu then chốt và tập trung nhất của nỗ lực đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 là tập trung phục vụ cho phát triển kinh tế. Theo đánh giá của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Chúng ta đã tranh thủ được những nguồn lực từ bên ngoài giúp cho phát triển kinh tế. Tính riêng về mặt xuất nhập khẩu, tức là thương mại với thế giới, chúng ta đạt 700 tỉ USD. Như vậy cũng gần đạt được mốc trước đại dịch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tranh thủ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng gia tăng 14%, trong đó đạt trên 36 tỉ USD.

Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, chúng ta nâng tầm quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, bằng việc tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã có, đồng thời tranh thủ những nguồn lực từ những xu hướng phát triển kinh tế mới, như là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay chuyển đổi sạch thông qua bất cứ các chuyến thăm nào, chúng ta cũng đều nhấn rất mạnh đến kinh tế và phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo và công nghệ. Tất cả những hoạt động đối ngoại trong năm qua được Đảng và Nhà nước đánh giá là một năm mang tính dấu mốc và có nhiều dấu ấn lịch sử, tạo vị thế mới cho Việt Nam trong thời gian tới phát triển hơn nữa quan hệ với các nước, đóng góp tốt hơn cho môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh việc tranh thủ hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, năm qua Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các sáng kiến, liên kết kinh tế khu vực, quốc tế mới, mở rộng và thúc đẩy hợp tác đa dạng với nhiều đối tác tiềm năng ở khắp các châu lục. Trong đó, đáng chú ý là nước ta ký FTA với Israel, tham gia thảo luận Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và đang tích cực đàm phán và đề xuất đàm phán FTA với một số đối tác kinh tế quan trọng khác. Các bộ, ngành cũng đã ký trên 70 văn kiện hợp tác trong khi các địa phương, doanh nghiệp trong nước cũng đã ký hàng trăm thỏa thuận hợp tác kinh tế với bên ngoài, tạo nền tảng cho kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng hơn với thế giới trong những năm tới.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao

Cũng trong năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp Quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, được bầu giữ chức Phó chủ tịch Kỳ họp thứ 42 Đại hội đồng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2023, là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; và chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, tháng 9-2023 do Quốc hội Việt Nam đăng cai.

Việt Nam tiếp tục có những đóng góp một cách tích cực và nổi bật vào việc giải quyết các vấn đề trên thế giới, như tiếp tục triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình mới của Liên hợp quốc tại châu Phi, cử lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ... Đối ngoại đa phương của Việt Nam tiếp tục thể hiện sự đóng góp một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung khu vực, toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước,...

Những minh chứng trên cho thấy, các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam năm 2023 vô cùng sôi động đã thể hiện một Việt Nam bản lĩnh, vững vàng, chủ động hội nhập với thế giới, đồng thời thể hiện một Việt Nam với vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định nổi bật.