Tôii mệt mỏi vì đau đầu nghĩ tặng gì giáo viên với kinh phí ít ỏi, rồi lại mất công, mất thời gian 'săn sale' để tiết kiệm chi phí.

Mỗi tháng 10 hàng năm, phụ huynh trên cả nước lại gặp phải những vấn đề liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh - hội nhóm vốn được cho là "cánh tay nối dài" của nhà trường trong việc kêu gọi các khoản đóng góp từ phụ huynh. Đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào nghịch lý và cân nhắc việc xóa bỏ mô hình Ban đại diện cha mẹ học sinh, giải phóng phụ huynh khỏi gánh nặng không cần thiết.

Là một người đang làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp con mình, cá nhân tôi thấy rằng nhiệm vụ của Ban được nêu trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT là "bất khả thi" đối với hết hầu hết các lớp. Có lẽ, không tới 10% Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp trên cả nước có thể hoàn thành những nhiệm vụ như: phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Việc giáo dục, bồi dưỡng học sinh đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm, chỉ có giáo viên và một số rất ít phụ huynh mới có khả năng này. Cho nên, việc này đòi hỏi quá sức năng lực của các Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Cần phân biệt giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và trường. Trong phạm vi lớp học, rất khó tìm thấy những phụ huynh có đủ khả năng làm được những nhiệm vụ đó.

Nhưng thực tế, lớp nào cũng phải có Ban đại diện cha mẹ, nếu không có là "không xong" với nhà trường. Cho nên, hầu hết chúng tôi tham gia cũng chỉ vì hoàn thành thủ tục với nhà trường, để lớp các con thuận lợi học tập; trong khi thực tế lại không đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà Thông tư 55 đưa ra. Đó là một nghịch lý.

Vì thế, nếu cần duy trì mô hình này, tôi đề xuất chỉ nên áp dụng ở cấp trường, với sự tham gia tự nguyện của những phụ huynh thực sự có năng lực và mong muốn đóng góp. Mỗi khối lớp cũng chỉ cần hai, ba người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

>> Ban đại diện cha mẹ học sinh tất bật mua quà tặng giáo viên

Là Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, tôi chịu trách nhiệm quản lý quỹ lớp, mọi chi tiêu đều công khai và lấy ý kiến của phụ huynh cả lớp. Những khoản nào phụ huynh đồng ý thì tôi mới làm, không thì thôi. Tôi thấy quỹ lớp thường được chi phần lớn vào việc cải tạo lớp học như trang bị sửa chữa hư hỏng trong lớp, máy lạnh, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập... Đây là nhu cầu thiết thực và chính đáng của các phụ huynh và học sinh.

Một số phụ huynh không đồng ý với hoạt động này nói rằng "ai có điều kiện thì cho con học trường Quốc tế". Nhưng nói như thế là coi nhẹ nhu cầu chính đáng của các phụ huynh khác. Mỗi người chỉ góp 1-2 triệu đồng một năm (bằng học phí một tháng trường công) là có thể trang bị cho lớp con mình cơ sở vật chất gần ngang với trường Quốc tế, và lớp này được sử dụng trong suốt các năm học ở trường (từ 3-5 năm tùy cấp).

Cho nên, việc này không phải là quá sức đối với các phụ huynh có thu nhập trung bình mà ngược lại mang lại lợi ích to lớn cho các con. Lớp có cơ sở vật chất tốt thì giáo viên mới thoải mái và dễ dàng truyền tải kiến thực được, học sinh cũng tiếp thu dễ dàng hơn.

Đúng là một phần của quỹ lớp thì được chi vào việc "lễ nghĩa" đối với giáo viên và nhà trường. Nhưng cần phải biết truyền thống của giáo dục là "tiên học lễ, hậu học văn", rất nhân văn, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh. Là Ban đại diện cha mẹ học sinh mà không biết "lễ nghĩa" thì coi sao được?

Chúng ta không thể đòi hỏi con cái chỉ cần biết cắp cặp đi học rồi về. Việc "lễ nghĩa" này thật sự không đáng là bao, nhưng thể hiện sự tôn trọng của phụ huynh và học sinh đối với giáo viên. Thực ra, công việc này cũng khá mất thời gian của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chúng tôi phải suy nghĩ tặng gì với kinh phí ít ỏi, phải "săn sale" để tiết kiệm chi phí. Chứ cũng chẳng phải chuyện thích là ăn chặn được như nhiều người vẫn nghĩ.

Tóm lại, tôi mạnh dạn đề nghị bỏ mô hình Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp để tránh những rắc rối, bất cập cho cả hai bên. Hiện nay, gần 100% các lớp đều có nhóm chat Zalo, giáo viên chủ nhiệm có thể phổ biến việc học hành và các vấn đề khác tới phụ huynh một cách nhanh chóng. Cha mẹ học sinh cũng có thể phản hồi dễ dàng thông qua nhóm này.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh, muốn cải tạo cơ sở vật chất cho lớp học, nhà trường cần khảo sát nhu cầu của cha mẹ học sinh. Từ đó, ngành Giáo dục có thể cho phép các trường nhận đóng góp tự nguyện từ các nguồn trong xã hội (phụ huynh, cựu học sinh...) và công khai thông qua tài khoản nhà trường và định kỳ công bố. Không nên ngăn cấm những sự ủng hộ để cải tạo cơ sở vật chất trường lớp, trong khi trường công còn nhiều thiếu thốn mà kinh phí nhà nước không đủ.

Head Hunter