Nợ thuế 1.000-2.000 đồng bị nhận "trát" đòi nợ, cần làm gì?
(Dân trí) - Những ngày này, nhiều người nhận được "trát" từ cơ quan thuế, có những khoản 1.000-2.000 đồng. Nếu rơi vào trường hợp này, người nộp thuế cần làm gì?
Nhận "trát" đòi nợ thuế 1.000-2.000 đồng
Chị Lan (Hà Nội) bất ngờ nhận được "trát" đòi nợ của Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, với số tiền 1.260 đồng. Thông báo tiền nợ thuế nêu đây là số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế.
Tuy nhiên, thông báo không ghi rõ số tiền nợ thuế phát sinh từ nguồn thu nhập nào, khiến chị chưa biết cần làm gì để xử lý.
Thực tế, chị Lan không phải trường hợp duy nhất chịu cảnh "bỗng dưng nợ thuế" thời gian gần đây. Anh Trọng Bình (Hà Nội) trong khi làm hoàn thuế thu nhập cá nhân năm 2021, cũng phát hiện bị một công ty lấy mã số thuế cá nhân khai khống thu nhập, phát sinh thuế phải nộp gần 1 triệu đồng. Do không biết về khoản này, anh Bình phát sinh nợ thuế.
Ngoài nợ gốc, lãi phát sinh 0,03%/ngày theo quy định hiện hành tại Luật Quản lý thuế, anh Bình tìm hiểu quy định và biết có thể phải nộp phạt từ 15-25 triệu đồng tùy mức độ nếu không làm tờ khai quyết toán thuế khi phát sinh 2 nguồn thu nhập.
Anh Bình liên hệ với bên công ty kia đề nghị bỏ phần thu nhập ra khỏi danh sách kê khai. Sau đó, kế toán phía công ty kia mới gọi lại để thông báo sẽ gỡ tên ra.
"Trát" đòi nợ thuế được cơ quan thuế gửi (Ảnh: NVCC).
Năm 2022, Tổng cục Thuế ra mắt ứng dụng eTax, giúp người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế. Nhờ cài đặt, tra cứu trên ứng dụng này, không ít người bất ngờ phát hiện ra các khoản thu nhập, nợ thuế cá nhân mà trước đây không biết.
Như chị Minh Uyên (TPHCM), đọc tin trên báo thấy có người bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế, chị đi kiểm tra trên eTax thì bất ngờ phát hiện đang nợ 346 đồng. "Hiện tại pháp luật chỉ quy định chung chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế có thể bị cấm xuất cảnh, nên trường hợp bị nợ thuế vài trăm đồng vẫn có khả năng bị gặp rắc rối", chị Uyên cho hay.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, nếu quá hạn 30 ngày, cơ quan quản lý sẽ phải thông báo cho người nộp thuế biết số tiền còn nợ và số ngày chậm nộp. Người nộp thuế cũng được nộp dần tiền nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.
Để tăng cường thu hồi nợ thuế, thời gian vừa rồi, Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp để tăng hiệu quả thu hồi nợ thuế. Đây không phải là công cụ cưỡng chế áp dụng hàng loạt mà là hoạt động bổ trợ sử dụng với một số hồ sơ, đối tượng sau thời gian xem xét.
Nửa đầu năm nay, Tổng cục Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Cơ quan này đã ban hành gần 174.500 quyết định cưỡng chế. Các hình thức cưỡng chế gồm: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế hóa đơn; kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cơ quan thuế cũng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của gần 632.000 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền gần 230.000 tỷ đồng trong 6 tháng.
Ứng dụng eTax giúp người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế (Ảnh chụp màn hình).
Làm gì khi nhận trát nợ thuế?
Thực tế, số lượng người nộp thuế có khoản nợ tồn đọng là rất lớn, theo Tổng cục Thuế. Gần 32 triệu lượt "trát" đòi nợ thuế đã được ngành thuế gửi đi trong 6 tháng qua.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú nhận định hiện cơ quan thuế ngày càng áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa trong hoạt động thuế. Có khoảng 1 triệu người sử dụng ứng dụng eTax để tra cứu việc nộp thuế.
Liên quan đến việc nhiều cá nhân thắc mắc có khoản nợ thuế thu nhập cá nhân nhưng lại không biết về khoản này, chuyên gia cho biết cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải tự quyết toán thuế hàng năm.
Có nhiều trường hợp cá nhân không nắm được khoản nợ thuế do thay đổi địa chỉ, không thông báo cập nhật cho cơ quan thuế. Vì vậy, cá nhân có thể không nhận được email, thư thông báo nợ thuế và cần liên hệ đến cơ quan thuế để cập nhật.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú đề cập đến trường hợp mã số thuế bị đăng ký trộm để kê khai, khấu trừ thuế mà người nộp không biết.
Không ít doanh nghiệp lấy số chứng minh thư hoặc căn cước công dân của người khác để đăng ký mã số thuế kê khai vào bảng lương doanh nghiệp của họ. Mục đích của việc mượn danh, ăn cắp mã số thuế chính là để trốn thuế hoặc giảm số thuế thu nhập phải nộp. Như vậy, người bị đăng ký trộm sẽ "bỗng dưng nợ thuế" mà không biết.
Thông báo thuế nợ (chậm nộp) được gửi về địa chỉ email của người nộp thuế (Ảnh: Thảo Thu).
Theo ông Tú, việc này ảnh hưởng lớn đến các cá nhân nhận "trát" đòi nợ thuế. Nguyên nhân là để thu hồi nợ, ngành thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, theo ông Tú, nhiều người không biết việc nợ thuế, khi ra nước ngoài, đến bước kiểm tra hải quan mới biết, sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Ông Tú cho rằng cơ quan chức năng nên quy định rõ ràng nợ từ bao nhiêu trở lên (số tiền lớn) mới bị cấm xuất cảnh, thay vì chung chung chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế có thể bị cấm xuất cảnh. "Cơ quan thuế cần sàng lọc, không chỉ căn cứ số liệu đơn thuần để tính thuế. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công dân, đặc biệt với việc cấm xuất cảnh hoặc bêu tên người nợ thuế", ông nói.
Ông Tú khuyến cáo các cá nhân nên có ý thức bảo vệ mã số thuế cá nhân đề phòng người khác lợi dụng.
Nộp thuế còn là trách nhiệm của công dân. Khi nhận được "trát" đòi nợ thuế, người dân cần liên hệ với Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo số hotline (024).37931750 để được hướng dẫn cụ thể. "Nếu "trát" đòi nợ thuế chưa chính xác với mức thu nhập, người dân cần thông báo cho đường dây nóng, đề nghị hủy báo nợ", ông Tú nói.
Trong trường hợp nợ đúng số tiền, người nộp thuế có thể nộp qua ứng dụng eTax hoặc nộp tại các chi nhánh ngân hàng có tài khoản của cơ quan thuế.
* tên các nhân vật trong bài được thay đổi
Đăng thảo luận