Hôm 21-9, chính phủ Pháp đã công bố nội các mới với mục tiêu tạo ra sự cân bằng giữa phe cánh hữu và phe trung dung.

Pháp có chính phủ mới sau gần 3 tháng bất ổn trị  第1张

Tổng thư ký Điện Élysée Alexis Kohler công bố danh sách các bộ trưởng trong nội các mới hôm 21-9 - Ảnh: AFP

Sau gần 3 tháng bất ổn chính trị kể từ quyết định bất ngờ bầu cử sớm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Barnier đã thành lập nội các mới với 39 thành viên đến từ các đảng trung dung và cánh hữu.

Theo Hãng tin Reuters, vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính được trao cho ông Antoine Armand (33 tuổi), một đảng viên đến từ Đảng Phục hưng trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron.

Theo giới quan sát, áp lực đè nặng lên vai tân bộ trưởng Tài chính Pháp khi ông được bổ nhiệm vào vị trí này trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang gây áp lực nhằm giải quyết khoản nợ ngày càng tăng của Pháp.

  • Chân dung ông Michel Barnier, thủ tướng lớn tuổi nhất lịch sử Pháp

  • Pháp có thủ tướng lớn tuổi nhất

Ông Jean-Noël Barrot, một chính trị gia trung dung, được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Barrot nổi tiếng là người có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, đặc biệt là những vấn đề trong khối EU, theo Đài CBS News. 

Ông Sébastien Lecornu - người đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quân sự của Pháp, bao gồm hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ và quản lý viện trợ quân sự cho Ukraine - vẫn giữ chức bộ trưởng Quốc phòng.

Các chuyên gia quân sự nhận xét vai trò lãnh đạo của ông Lecornu trong lĩnh vực quốc phòng sẽ rất quan trọng, khi Pháp điều hướng vai trò của mình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giải quyết căng thẳng địa chính trị gia tăng do các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông.

Trong khi đó các chính trị gia đối lập cánh tả đã tuyên bố họ sẽ thách thức chính phủ của ông thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Hồi đầu tháng 7, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành được nhiều ghế tại Hạ viện nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp. Tuy nhiên, liên minh này không có được đa số ghế để có thể thoải mái thành lập chính phủ hay theo đuổi những chương trình nghị sự của mình.

Do vậy Pháp rơi vào hoàn cảnh "quốc hội treo", khi không có đảng phái hay liên minh nào nắm đa số ghế. Chính trường Pháp hiện rơi vào hoàn cảnh chia rẽ, với khối cánh tả, cánh hữu và trung dung đều không nắm quyền tự quyết.