Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rõ ràng của thời đại. Việt Nam phải đẩy mạnh chuyển đổi xanh vì 'không có kế hoạch B cho môi trường'.

Phải chuyển đổi xanh vì ‘không có kế hoạch B cho môi trường’  第1张

Doanh nghiệp phải chuyển đổi để có thể tiếp cận tín dụng xanh. Trong ảnh: Betrimex được UOB cấp một khoản tín dụng ngắn hạn nhằm phục vụ việc xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic - Ảnh: B.T.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính (thuộc báo Sài Gòn Giải Phóng) vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng". Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trong sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn về cam kết chuyển đổi xanh. 

Trong khi đó, sự thiếu hụt về vốn xanh và hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng, Chính phủ vẫn đang là một thách thức đáng kể.

  • Nhu cầu tài chính xanh là bức tường khổng lồ, nhưng nguồn vốn rót ra như cánh cửa mới hé

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Vương quốc Anh), cho hay biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rõ ràng của thời đại, gây ra một loạt hậu quả có thể quan sát được đối với môi trường, kinh tế và xã hội.

Trích dẫn câu nói của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon: "Không có kế hoạch B cho môi trường vì chúng ta không có trái đất B", TS Hồ Quốc Tuấn đề nghị phải đưa khái niệm tài chính bền vững vào quản trị tài chính.

Ông cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) sắp tới sẽ yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó tác động đến bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

Phải mở rộng tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phải chuyển đổi xanh vì ‘không có kế hoạch B cho môi trường’  第2张

Ông Tôn Thất Hạc Minh, tư vấn trưởng, Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh - Ảnh: H.H

Trong nước, TS Trần Du Lịch cho biết từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình áp dụng tín dụng xanh. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành sổ tay hướng dẫn cho 15 ngành về ứng dụng phát triển tín dụng xanh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỉ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở rộng tín dụng xanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, như điện sinh khối, giảm khí thải… đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho doanh nghiệp.

Để giải quyết được bài toán này, về mặt khung pháp lý đã có một số quy định nhưng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng phải làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường như thế nào. Về nguồn vốn, hiện nay không chỉ có ngân hàng thương mại mà phải tận dụng nguồn vốn quốc tế, các quỹ đầu tư… ưu tiên cho kinh tế xanh", TS Trần Du Lịch nói.

Ông Trần Hoài Phương, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, cho rằng để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi với các ngân hàng.

Hiện các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu khó khăn nhất trong tiếp cận tín dụng xanh bởi đây là lĩnh vực chịu nhiều điều kiện khắt khe hơn.

Ông Tôn Thất Hạc Minh, tư vấn trưởng, Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh, cho biết khi tiếp xúc với các cộng đồng doanh nghiệp, đa phần gặp thách thức về ESG. Lâu nay, các doanh nghiệp hay nghĩ ESG thuộc về công ty lớn. Do vậy phải bình dân hóa ESG sao cho doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể làm được.

"Chỉ khi nào tín dụng xanh của nền kinh tế, từ khoảng 3-4% lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng, thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Đây là chỉ báo quan trọng đánh giá sự chuyển đổi xanh", TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.