Ngày 19-11, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Rosalynn Carter qua đời ở tuổi 96. Có biệt danh 'đóa mộc lan thép', bà Carter từng là cố vấn tích cực cho chồng - tổng thống Jimmy Carter - và là một nhà hoạt động không ngừng nghỉ cho sức khỏe tâm thần.
Bà Carter cùng chồng và con gái tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ ở thành phố New York năm 1976 - Ảnh: REUTERS
Theo Trung tâm Carter, đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter đã qua đời ngày 19-11 ở tuổi 96. Bà được ông Carter gọi là "một phiên bản mở rộng của tôi", là một cố vấn nổi bật trong chính quyền của tổng thống Carter và là người đấu tranh không ngừng nghỉ cho sức khỏe tâm thần.
"Rosalynn là cộng sự bình đẳng với tôi trong mọi việc tôi đã từng đạt được. Cô ấy cho tôi lời khuyên khôn ngoan và động viên khi tôi cần đến. Chừng nào Rosalynn còn trên đời, tôi luôn biết có một người yêu thương và ủng hộ tôi", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Carter.
"Đóa mộc lan thép" bên chồng
Được báo chí đặt biệt danh là "đóa mộc lan thép", bà Rosalynn từng rất nhút nhát và thường run rẩy đến nỗi "hai đầu gối đập vào nhau" mỗi khi phải phát biểu trong thời gian đầu sự nghiệp chính trị của ông Carter vào khoảng những năm 1960.
Nhưng đến khi ông Carter tuyên bố tranh cử tổng thống vào tháng 12-1974, bà Carter đã là một chính trị gia "từng trải".
Bà đánh số các câu chuyện cười của chồng để ông không kể lặp lại cho cùng một nhóm. Bà cũng tham gia vào một lớp học ghi nhớ để nhớ được mặt và tên, cũng như để viết thư cảm ơn cho những người mà chồng bà đã gặp trong lúc tranh cử.
Trong lúc ở Nhà Trắng, bà Carter đã thúc chồng hoãn lại những quyết định gây tranh cãi cho đến sau khi ông tái đắc cử.
"Tôi chính trị hơn Jimmy, tôi quan tâm nhiều hơn cho sự nổi tiếng đối với công chúng và chiến thắng trong lần tái tranh cử", bà Carter từng thoải mái thừa nhận.
Bà đã vận động để chồng sa thải bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ khi ấy là ông Joe Califano.
Bà không hài lòng ông Califano vì chiến dịch chống hút thuốc, lo ngại rằng việc này sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của ông Carter tại bang North Carolina chuyên sản xuất thuốc lá.
Bà Carter cũng có chuyến đi đến Trung và Nam Mỹ để chuyển thông điệp của nước Mỹ về quyền con người.
Kết quả: Ecuador cam kết ký và phê chuẩn Công ước châu Mỹ về quyền con người; nhà lãnh đạo quân sự của Peru thề sẽ từ bỏ quyền lực; tổng thống Colombia thúc đẩy các cuộc đàm phán về kênh đào Panama.
Ý tưởng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông tại Trại David của bà Carter cũng dẫn đến một trong những thành tựu lớn nhất trên cương vị tổng thống Mỹ của chồng.
Điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời bà Carter là việc chồng bà thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 1980.
Bà ghi trong hồi ký: "Tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi đã đúng, rằng những gì Jimmy Carter đang làm là tốt nhất cho đất nước và mọi người đã phạm sai lầm khi không bỏ phiếu cho ông ấy".
Gia đình nhà Carter tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ ở thành phố New York năm 1976, lúc này ông Carter còn là thống đốc bang Georgia - Ảnh: REUTERS
Đệ nhất phu nhân tranh đấu cho sức khỏe tâm thần
Khi còn là đệ nhất phu nhân, bà Carter đã giúp chồng thành lập Ủy ban Tổng thống về sức khỏe tâm thần.
Năm 1979, bà trở thành đệ nhất phu nhân thứ hai ra làm chứng trước Quốc hội (bà Eleanor Roosevelt là người đầu tiên) khi phát biểu về sự cần thiết phải cải cách các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Lực lượng thân Iran nhạo báng lệnh trừng phạt của Mỹ
Mỹ bật đèn xanh bán 400 tên lửa Tomahawk cho Nhật Bản
Sau khi ông Carter kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, ông và bà Carter đã tiếp tục cống hiến cho quyền con người và hòa bình thế giới thông qua Trung tâm Carter - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại thành phố Atlanta, bang Georgia được thành lập với mục đích "thúc đẩy hòa bình, chống lại bệnh tật và xây dựng hy vọng".
Sau khi rời Nhà Trắng, vợ chồng Carter đã đi đến các điểm nóng trên khắp thế giới, bao gồm Cuba, Sudan và Triều Tiên. Hai ông bà cũng nỗ lực trong việc xóa bỏ bệnh giun Guinea và một số bệnh nhiệt đới khác. Năm 2002, ông Carter đã đoạt giải Nobel Hòa bình.
Di sản cá nhân trường tồn nhất của bà Carter chính là các nỗ lực nhằm xóa bỏ sự kỳ thị gắn liền với những người mắc bệnh tâm thần và cuộc đấu tranh của bà cho sự bình đẳng và quyền tiếp cận việc điều trị các căn bệnh này.
Năm 1999, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã trao tặng cho vợ chồng Carter Huân chương Tự do của tổng thống - vinh dự dân sự cao quý nhất của nước Mỹ.
Theo ông Clinton, vợ chồng Carter đã "làm được nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người ở nhiều nơi hơn bất kỳ cặp đôi nào khác trên Trái đất".
Ngày 19-11, cựu tổng thống Clinton và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cùng dành lời khen cho bà Rosalynn: "Trong suốt cuộc đời dài và đáng chú ý của mình, bà là tiếng nói không lay chuyển của những người bị xem thường và ít được đại diện".
"Nhờ sự ủng hộ của bà cho sức khỏe tâm thần, nhiều người đã sống với sự chăm sóc tốt hơn và ít bị kỳ thị hơn", nhà Clinton nói.
"Melania và tôi hòa cùng tất cả người Mỹ thương tiếc bà Rosalynn Carter. Bà đã là một đệ nhất phu nhân tận tụy, một nhà hoạt động nhân đạo lớn, một nhà đấu tranh hàng đầu cho sức khỏe tâm thần và là một người vợ yêu quý của chồng bà - tổng thống Carter - trong 77 năm", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên mạng xã hội hôm 19-11.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cùng phu nhân Laura Bush gọi bà Carter là "người phụ nữ của phẩm giá và sức mạnh".
"Không có người nào có thể ủng hộ tổng thống Carter tốt hơn bà, và mối quan hệ của họ là một tấm gương tuyệt vời cho lòng trung thành và chung thủy. Bà ấy đã để lại một di sản quan trọng trong công cuộc xóa bỏ kỳ thị về sức khỏe tâm thần. Chúng tôi cùng người dân gửi lời chia buồn tới tổng thống Carter và gia đình", vợ chồng ông Bush nói trong một tuyên bố chung.
Đăng thảo luận