Sâu ăn trụi cả vườn dừa, lão nông rủ bạn đi làm thuê kiếm sống qua ngày

(Dân trí) - Vườn dừa cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng của gia đình ông Lợi (66 tuổi, ngụ Bến Tre) bị sâu đầu đen phá sạch. Mất thu nhập, lão nông phải tìm những bạn bè cùng hoàn cảnh lập nhóm đi làm mướn.

Gia đình ông Tạ Văn Lợi (66 tuổi, ngụ xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có vườn dừa rộng 7.000m2. Trước đây, vườn dừa cho thu nhập đều đặn khoảng 7 triệu đồng/tháng, đủ để gia đình 5 người của ông sống ổn định. 

Sâu ăn trụi cả vườn dừa, lão nông rủ bạn đi làm thuê kiếm sống qua ngày  第1张

Ông Lợi chỉ tay về vườn dừa tan hoang do sâu hại (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thế nhưng từ đầu năm đến nay, vườn dừa bị sâu đầu đen ăn "tan nát", không cho thu hoạch một trái nào. Mất thu nhập, con trai ông Lợi đã lên Bình Dương làm thuê, nhưng việc làm không ổn định.

Tuổi đã nhiều, cả cuộc đời chỉ gắn với cây dừa, nay ông Lợi đành phải đi làm mướn.

"Không có dừa bán thì phải đi làm kiếm ăn thôi, ai thuê gì thì làm đó. Già rồi, răng cũng rụng nhiều rồi, đâu có làm được việc nặng, người ta trả công bao nhiêu cũng phải làm thôi. Có ngày kiếm được 150.000 đồng, có ngày kiếm được 200.000 đồng", ông Lợi xót xa.

Nói về vườn dừa, ông Lợi cho biết đã tốn 8 triệu đồng xịt thuốc, nhưng sâu vẫn phát triển rầm rộ. Sau hơn nửa năm bị sâu tàn phá, khu vườn gần như đã tan hoang.

Sâu ăn trụi cả vườn dừa, lão nông rủ bạn đi làm thuê kiếm sống qua ngày  第2张

Cây dừa càng cao càng dễ bị sâu tấn công (Ảnh: Nguyễn Cường).

An Thạnh đang là xã bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng bậc nhất tỉnh Bến Tre từ đầu năm đến nay, vì vậy có không ít lão nông rơi vào hoàn cảnh như ông Lợi. Họ lập nên những nhóm nhỏ để cùng nhau đi tìm việc làm mướn.

Ông Mười (54 tuổi) ở cách nhà ông Lợi vài trăm mét, cũng chung trong nhóm làm mướn. Vì vườn dừa đã chết, ở nhà không có việc gì làm, ông Mười sang nhà ông Lợi trò chuyện cho đỡ buồn.

"Tôi phun thuốc 3 lần rồi, nhưng không cứu được vườn dừa, đành bỏ thôi. Mấy ngày nay xung quanh đây người ta đốn dừa nhiều lắm, tôi cũng chờ hôm nào trời ngớt mưa thì đốn để trồng lứa mới", ông Mười chia sẻ.

Dọc những trục đường chính của huyện Mỏ Cày Nam, không khó để thấy những vườn dừa chết trụi. Những cây dừa càng cao càng dễ chết vì việc phun thuốc rất khó khăn.

Sâu ăn trụi cả vườn dừa, lão nông rủ bạn đi làm thuê kiếm sống qua ngày  第3张

Những vườn dừa đang chờ chết (Ảnh: Nguyễn Cường).

Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Tháng 7/2020, sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện ở Bến Tre rồi lây lan nhanh chóng.

Đến nay, loài sâu hại này đã tấn công hàng nghìn ha dừa ở nhiều tỉnh miền Tây.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, sâu đầu đen đã tấn công hơn 630ha dừa của tỉnh. Bằng các biện pháp phun thuốc và thả ong thiên địch, Bến Tre đã cứu được gần 240ha dừa, tuy nhiên có gần 94ha dừa đã phải đốn bỏ.

Sâu ăn trụi cả vườn dừa, lão nông rủ bạn đi làm thuê kiếm sống qua ngày  第4张

Một vườn dừa phải đốn bỏ do sâu hại (Ảnh: CTV).

Bến Tre là tỉnh có vườn dừa rộng nhất cả nước, với diện tích gần 80.000ha. Dừa là cây trồng quan trọng nhất của Bến Tre, là thu nhập chính của hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh.