Những người khai thác đá trái phép ở Suối Giàng độ chế xe máy như những "cỗ quái thú", sử dụng máy tời đá để di chuyển, vận chuyển đá cảnh từ núi ra bên ngoài. Sau đó, chủ các cơ sở buôn bán đá cảnh, đá mỹ nghệ tìm cách quay vòng hồ sơ để hợp thức hóa mặt hàng này.
Cách tỉnh lỵ Yên Bái khoảng 80km, xã Suối Giàng vòi vọi phía sau núi cao và mây mù. Với dân số ít ỏi, vỏn vẹn 3,9 nghìn người (98% đồng bào dân tộc Mông) sống chon von ở 7 bản như: Suối Lóp, Giàng Cao, Giàng A, Giàng B, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 … - những cái tên nghe đã bịt bùng xa ngái. Suối Giàng là một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Bù lại, có một chút an ủi: thế mạnh đặc biệt của Suối Giàng, là trời ban cho nơi đây một không gian nguyên sơ, bản sắc văn hóa sặc sỡ, vùng tiểu khí hậu mát mẻ đê mê (cao 1.370m so với mực nước biển) để làm du lịch. Nhưng, thứ đắt đỏ nhất theo cách hiểu có thể khai thác bền vững, bán ra thị trường trong và ngoài nước với giá cao ngất ngưởng "tiền tỷ một khối đá sắc màu": ấy là đá cảnh, đá mỹ nghệ, đá sắc màu. Đá quý!
Đá quý, đá mỹ nghệ vẫn tiếp tục bị khai thác trái phép trên quy mô lớn, dù ở hiện trường, những dòng chữ cảnh báo như "Cấm khai thác đá", "Nguy hiểm chế người" hay hình đầu lâu xương chéo được viết, vẽ bằng sơn đỏ ở khắp nơi.
Nhưng để tìm ngọc - "giọt máu của trời" ẩn trong đá, trong lòng núi mênh mang kỳ bí, có lúc phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức và cả máu mà vẫn chưa thành. Vạn người đi mới có vài người trúng mánh. Xưa nay các cụ vẫn bảo: Một thì xanh cỏ (mất mạng), hai là… đỏ ngọc (trúng mánh có nhiều tiền).
Còn với đá màu, đá cảnh, đá quý giá của Suối Giàng lại khác.
Ở Suối Giàng, các trái núi đều hình thành từ đá màu, từ các kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu hàng tỷ năm. Nói cho dễ hiểu, cái "nhà kho tự nhiên trời ban đất thưởng" ở Suối Giàng kia gồm nhiều loại đá cảnh, đá quý, đá màu vẫn chờ đợi người chiêm bái và khai thác.
Đá cảnh Suối Giàng thật sự là những hạt thóc quý như vàng, lại to khổng lồ và nhiều màu sắc hơn bất cứ hạt thóc nào từ bất cứ bông lúa nào. Thế nên, từ khi phát lộ ra màu sắc bất ngờ và quý giá của mình, Suối Giàng đã được người ta âm thầm biến thành một đại công trường khai thác đá cảnh, đá mỹ nghệ đầy sắc màu. Họ "đục khoét" bằng mọi giá, dưới nhiều hình thức.
Có khi chỉ vài người dân bản địa ở bản kế bên hoặc ở chính cái ngọn núi sắc màu kia, mỗi ngày họ ghè đẽo, bế đi vài tảng, cục đá cảnh. Có khi người dân định cư từ lâu trên chính mỏ quặng đá màu đó, bới nền nhà, bới ruộng nương của họ ra là có "đá cảnh, đá mỹ nghệ" đắt đỏ nằm chờ sẵn ở đó từ… thượng cổ. Họ bế bằng tay trần, đi chân trần.
Thêm nữa, họ dùng xà beng, nêm sắt, quai búa, buộc dây tời vào các mỏm đá màu mà bửa nó ra, "trộm" của sơn thần lấy vài miếng. Đặt lên xe máy, chở vù ra bán cho các chủ xưởng đá, mọc lên như nấm sau mưa bấy lâu nay.
Xe máy của họ được độ chế như những con quái thú, có sức chở lên tới vài tạ! Muốn thế, họ phá bỏ yên xe, vì vải, nhựa, da, xốp nào thì cũng rách nát, khi đá lởm chởm vừa bửa ở núi đè lên, trong hành trình xe gào rú vượt đường đèo dốc gồ ghề, chênh vênh, trơn truội. Không còn yên xe, họ gia cố các khung dầm thép làm "sàn" để cõng hòn đá khổng lồ. Giảm sóc của của xe máy thì được độ bằng những lò xo thép dày, to bản (không phải chỉ một chiếc như nguyên bản của nhà sản xuất).
Để tách được những tảng đá nặng khoảng 3 đến 5 tạ (vừa trọng lượng mà những chiếc xe máy "khủng" có thể vận chuyển) ra khỏi các ngọn núi sắc màu, người ta đã dùng máy khoan, đục, máy tời tự chế chạy bằng xăng. Tất cả ầm ĩ đêm ngày!
Thậm chí, một xe máy hai bánh thì riêng phía sau có 3 hệ thống giảm sóc tự chế, bởi nếu một hệ thống thì vài trăm cân đá đè lên sẽ bẹp dí. Rồi thì mọi thiết bị lặt vặt khác bỏ hết, xe như con bọ ngựa khẳng khiu toàn sắt thép, với cái khung to như xe cải tiến. Riêng hệ thống đèn của xe thì sáng kinh hoàng. Vì họ thường chở lậu vào ban đêm, phải nhìn cực kỳ rõ đường cua, đường đèo và đường đá hộc trơn trượt.
Đăng thảo luận