Hiện nay TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, tỷ lệ cây xanh toàn thành phố là 17,2 m2/người, cao gấp nhiều lần tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị tại TP.Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,57 m2/người, tỷ lệ cây xanh tại Hà Nội 2,06 m2/người, TP.Huế đứng top cũng chỉ có tỷ lệ cây xanh toàn thành phố 12,9 m2/người. Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2/người.
Ngay cửa ngõ phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, hai bên đường Nguyễn Lương Bằng (Quốc lộ 27, xã Hòa Thắng) là khu rừng trồng từ những năm 1940-1945.
Hàng cây sao đen trên đường Đam San, đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Màu xanh của TP.Buôn Ma Thuột càng thêm tỏa rộng, phủ dày, đẹp và tinh tế nhờ những công nhân (Công ty đô thị môi trường Đắk Lắk) rất tận tâm.
Năm 1914, Leopold Sabatier (Pháp) về nhận chức Công sứ ở Đắk Lắk đã cho xây dựng Tòa đại lý Quận trưởng, nay là di tích lịch sử - văn hóa số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Công sứ Leopold Sabatier đã cho trồng nhiều loại cây xanh trong khuôn viên như bằng lăng, sao đen, cây long não (trong ảnh) đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính khoảng 2,5 m, cao hơn 30 m. Rừng cây cổ thụ giữa trung tâm TP.Buôn Ma Thuột hàng ngày được chăm sóc kỹ càng bởi các công nhân.
Cùng với các cánh rừng trăm năm tuổi, tại thành phố Buôn Ma Thuột còn có những "lá phổi xanh" như Lâm viên Buôn Ma Thuột , rừng thông 19/5 và hàng loạt công viên cây xanh. Phố trong rừng, rừng trong phố giúp điều hòa môi trường sinh thái và giúp TP. Buôn Ma Thuột lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Đăng thảo luận