Hàng trăm bức thư pháp chữ quốc ngữ trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội kết hợp với nghệ thuật chiếu sáng khiến Nhà Thái Học rực rỡ, nhưng sự phá cách làm hầu hết thư pháp ở đây chỉ để ngắm.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第1张

Triển lãm thu hút đông du khách dịp Quốc khánh - Ảnh: T.ĐIỂU

Đó là triển lãm thư pháp Nghiên bút còn thơm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, kéo dài đến 25-9.

Những ngày lễ Quốc khánh, triển lãm thu hút rất đông người xem từ già đến trẻ, từ người Việt đến du khách nước ngoài.

Thư pháp để ngắm hơn để đọc

Cảm giác đầu tiên là sự choáng ngợp trước ấn tượng thị giác mạnh mà triển lãm thư pháp này mang tới do kết hợp những nét vung bút táo bạo của thư pháp gia với chiếu sáng nghệ thuật.

Đây có lẽ là triển lãm thư pháp chữ quốc ngữ đầu tiên có quy mô lớn và ấn tượng như vậy.

Toàn bộ Nhà Thái Học của Văn Miếu Quốc Tử Giám được lấp đầy… chữ và ánh sáng nghệ thuật chiếu từ bên trong hắt qua lớp giấy dó. Thư pháp được sắp đặt từ trần nhà tới tường, sàn nhà và phủ kín những cột nhà.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第2张

Thư pháp trở nên ấn tượng hơn nhờ công nghệ chiếu sáng - Ảnh: T.ĐIỂU

Hàng trăm bức thư pháp lớn nhỏ của 15 thư pháp gia ba miền, khi là tác phẩm độc lập, khi là những mảnh ghép trong một tổng thể, được xếp đặt có ý đồ, tạo nên một không gian ấn tượng của chữ và hội họa.

Nhiều bức thư pháp trong triển lãm như một bức tranh, có cả đơn sắc có cả những bức đầy màu sắc rực rỡ.

Có điều, bởi quá "vung bút" sáng tạo, nhiều bức thư pháp ở đây không thể đọc được chữ gì, dù đây là thư pháp chữ quốc ngữ.

Triển lãm sẽ rất hấp dẫn nếu để ngắm nhìn, còn muốn đọc và cảm những tầng sâu ý nghĩa của những con chữ của những danh nhân được các thư pháp gia chọn viết ở triển lãm này như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… thì rất khó.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第3张

Triển lãm được thiết kế chiếm toàn bộ không gian của Nhà Thái Học, từ trần nhà, tường, cột, nền nhà - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuộc chơi riêng nên muốn thỏa sức sáng tạo

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, họa sĩ, thư pháp gia Trường Thịnh - giảng viên Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, phó chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Việt - UNESCO, người có nhiều tác phẩm thư pháp phá cách trong triển lãm này - cho biết giống như hội họa có nhiều trường phái thì thư pháp cũng có nhiều dạng viết.

Có thư pháp cổ điển, viết theo lối chân thư dễ đọc dễ hiểu, nhưng cũng có lối viết thư pháp mà người viết chỉ cầu lấy cốt để biểu hiện ý, chữ viết khó đọc, gọi là thư pháp Tiền Vệ.

Ở triển lãm này nhóm tác giả kết hợp giữa truyền thống với đương đại, có bức dễ đọc, có bức theo đuổi hiệu ứng tạo hình chứ không quan trọng ở việc đọc chữ.

Ngay như thư pháp chữ Hán cổ điển cũng có nhiều dạng viết như triện, lệ, thảo, hành, thư. Trong đó lối cuồng thư thì chữ được viết nhanh, mạnh mẽ, bay bướm, khó đọc.

Triển lãm này là cuộc chơi riêng của các thư pháp gia nên họ muốn thỏa sức sáng tạo.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第4张

Thư pháp gia Trường Thịnh bên một tác phẩm của mình tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第5张

Một bức thư pháp của họa sĩ Trường Thịnh nhìn giống một bức họa hơn là thư pháp - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第6张

Những bức thư pháp phóng bút - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm Nghiên bút còn thơm ở Văn Miếu: Khi thư pháp không phải để… đọc?  第7张

Bức tường xếp kín các bức thư pháp chữ quốc ngữ đầy sáng tạo - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong khuôn khổ triển lãm này, ngày 14-9, ban tổ chức phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi".