NetZero Pallet - sản phẩm được làm từ xơ dừa polymer hóa của AirX Carbon - vừa xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Start-up Wheel 2024 mới đây tại vòng chung kết được tổ chức ở TP.HCM.

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Pallet từ xơ dừa và phế phẩm nông nghiệp  第1张

Lê Thanh (trái) và Dương Tiết Anh với sản phẩm pallet từ xơ dừa và các phế phẩm nông nghiệp - Ảnh: C.K.

Từ phế phẩm nông nghiệp như vỏ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, vụn gỗ…, những tấm pallet thành hình khởi nguồn từ một start-up ra đời để sản xuất, nghiên cứu giải pháp thay thế nhựa bằng phế phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ, cũng là nỗ lực góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và phát thải khí nhà kính từ ngành nhựa.

NetZero Pallet mang đến giải pháp thân thiện môi trường, sản xuất 100% từ phế phẩm nông nghiệp, được thương mại hóa và mang đến giải pháp bền vững, góp phần tiết kiệm chi phí cho ngành công nghiệp hậu cần trong nước.

Anh DƯƠNG TIẾT ANH

Khi phế phẩm được nâng tầm giá trị với pallet từ xơ dừa

Hai 8X Lê Thanh và Dương Tiết Anh - sáng lập AirX Carbon - đã đưa ý tưởng hiện thực hóa sản phẩm này. Lê Thanh vốn là dân học hóa, kết hợp với kiến thức quản trị kinh doanh của Dương Tiết Anh giúp AirX Carbon chuyên tâm hướng đến các sản phẩm xanh.

Trước đó, công ty đã cho ra đời một số sản phẩm cũng từ phế một số phẩm nông nghiệp, vỏ cà phê là những bộ ly, tách, dao, muỗng, nĩa, lược chải đầu… thân thiện môi trường. Ròng rã hai năm nghiên cứu, đội ngũ kỹ sư của AirX Carbon tìm tòi, thử nghiệm và cuối cùng sản phẩm pallet từ xơ dừa và phế phẩm nông nghiệp ra mắt từ tháng 4-2024, đạt yêu cầu để có thể xuất qua một số nước với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt

  • Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Pallet từ xơ dừa và phế phẩm nông nghiệp  第2张

    Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Khuyến khích khởi nghiệp xanh, phát triển bền vữngĐỌC NGAY

Chị Bùi Phương Thảo - đại diện dự án - cho biết: "Riêng tháng 8 chúng tôi đã bán được 20.000 sản phẩm. Dự kiến đến cuối năm nay, mỗi tháng sẽ bán ra khoảng 30.000 sản phẩm. Chúng tôi tự hào khi sản phẩm này đã có mặt tại Úc, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Singapore".

Nhưng khi mới chào hàng, họ hầu như không bán được cái nào. Đến khi nhiều nơi yêu cầu không dùng pallet gỗ do phá rừng, pallet xơ dừa mới dần thắng thế. Thường để làm ra sáu tấm pallet gỗ cần chặt mất một cây. Hay một tấm pallet nhựa tốn khoảng 10kg nhựa nguyên sinh. Chưa kể công đoạn sản xuất đều gây ô nhiễm môi trường.

Còn pallet từ xơ dừa giúp giải quyết nhiều loại phế phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho nông dân. "Chúng tôi thu mua vỏ cà phê, rồi những tấm pallet làm ra được bán trở lại cho chính các doanh nghiệp sản xuất cà phê dùng bảo quản cà phê thành phẩm, xem như một vòng tuần hoàn khép kín" - Phương Thảo nói.

Định vị trong nền kinh tế xanh

Dương Tiết Anh tính toán, nếu 250 triệu cây bị đốn hạ mỗi năm chắc chắn là gây ảnh hưởng không nhỏ cho hệ sinh thái, cũng kéo theo bất lợi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng đó chính là thực trạng đang diễn ra với ngành công nghiệp sản xuất pallet gỗ truyền thống hằng năm.

NetZero Pallet có cấu trúc phẳng dùng để cố định hàng hóa mỗi khi dùng xe nâng pallet, hoặc các thiết bị vận chuyển khác. Anh Lê Thanh cho biết, tương tự pallet gỗ truyền thống, nhưng pallet xơ dừa có giá bán rẻ hơn 20%, thiết kế có thể xếp chồng lên nhau giúp tiết kiệm 70% không gian kho bãi và giảm 50% chi phí vận chuyển.

"Quan trọng là thực hành kinh tế tuần hoàn, khai thác giá trị của phế phẩm nông nghiệp, tránh phá rừng khai thác gỗ làm pallet, nhất là tạo thêm dòng thu nhập mới cho nông dân địa phương" - Lê Thanh nói.

Các bạn thu mua vỏ dừa, vỏ cà phê, vỏ ca cao tại các hợp tác xã nông nghiệp hoặc từ các thương lái. Những phế phẩm này sẽ được xử lý, phối trộn cùng chất kết dính trước khi được đưa vào khuôn nén với nhiệt độ và áp suất cao. Quy trình xử lý phế phẩm và chất kết dính với 100% thành phần sinh khối tự nhiên, được nghiên cứu để đảm bảo cấu trúc liên kết của pallet chịu tải đến 8 tấn hàng hóa.

Pallet thành phẩm đến tay khách hàng, tùy mục đích sử dụng đóng gói, vận chuyển, lưu trữ hay bảo vệ hàng hóa và có thể tái sử dụng nhiều lần. Đặc biệt khi kết thúc vòng đời, chúng sẽ được thu gom như một loại rác thải hữu cơ mà các nhà máy xử lý rác có thể biến chúng thành phân bón cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Dự án đổi mới sáng tạo

Theo giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Nguyễn Thị Diệu Hằng, dự án NetZero Pallet đã thể hiện xuất sắc tinh thần đổi mới sáng tạo và cam kết phát triển bền vững mà Start-up Wheel hướng tới.

Bằng cách tận dụng vật liệu phế thải sinh học từ xơ dừa, dự án không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Chính khả năng phân hủy sinh học cùng với giá thành cạnh tranh cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thay thế các loại pallet truyền thống, góp phần giảm thiểu tác động môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Kết quả này minh chứng cho xu hướng phát triển các giải pháp xanh, bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, truyền cảm hứng cho nhiều start-up khác, thúc đẩy làn sóng đổi mới vì một tương lai bền vững hơn" - chị Hằng bày tỏ.

Ngày 18-9 diễn ra họp báo Tuổi trẻ Start-up Award 2024 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Ở mùa thứ năm có chủ đề "Vinh danh start-up xanh", chương trình hướng đến tìm kiếm các dự án khởi nghiệp truyền cảm hứng, có tác động đến cộng đồng, kỳ vọng chứng kiến mức độ chuẩn bị và sẵn sàng thực hành ESG trong các dự án mà những nhà khởi nghiệp cùng mang đến.

Chương trình có sự đồng hành của Hội LHTN Việt Nam TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Quỹ VinaCapital, CLB các giám đốc sales & marketing Việt Nam (CSMO Vietnam)… cùng một số chuyên gia sẽ tham gia hội đồng thẩm định.

Chương trình đang tiếp nhận hồ sơ tham gia của các dự án, hạn chót đến ngày 30-9 tại địa chỉ email [email protected]. Chương trình gala vinh danh các start-up sáng giá dự kiến vào tháng 11-2024 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Pallet từ xơ dừa và phế phẩm nông nghiệp  第3张