Tổng thống Botswana cảnh báo gửi 20.000 con voi tới Đức

(Dân trí) - Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi cảnh báo sẽ gửi 20.000 con voi đến Đức, giữa lúc 2 nước tranh cãi về việc nhập khẩu sản phẩm từ hoạt động săn bắn voi.

Tổng thống Botswana cảnh báo gửi 20.000 con voi tới Đức  第1张

Botswana hiện có 130.000 con voi (Ảnh: Getty).

Theo Guardian, Tổng thống Botswana, một quốc gia ở châu Phi, tuyên bố: "20.000 con voi tới Đức. Đó không phải là lời nói đùa".

Nhà lãnh đạo châu Phi chỉ trích chính phủ Đức - đặc biệt là Bộ môi trường - vì tìm cách cấm nhập khẩu các sản phẩm từ hoạt động săn bắn bất chấp tình trạng đàn voi quá đông ở Botswana.

Đầu năm nay, Bộ môi trường Đức, do ông Steffi Lemke của Đảng Xanh đứng đầu, đã đề xuất phương án hạn chế chặt chẽ hơn việc nhập khẩu sản phẩm từ săn bắn do lo ngại nạn săn trộm.

Ông Masisi cho rằng Đảng Xanh của Đức có thể học cách sống chung với voi mà không cần săn bắn chúng.

"Rất dễ dàng để ngồi ở Berlin và đưa ra ý kiến về các vấn đề của chúng tôi ở Botswana. Chúng tôi đang phải trả giá cho hoạt động bảo tồn những loài động vật này cho thế giới", ông Masisi nói.

Ông nói thêm rằng người Đức nên cố gắng "sống chung với động vật, theo cách mà các bạn đang cố gắng chỉ dẫn chúng tôi làm như vậy".

Theo ông Masisi, số lượng voi ở Botswana đã tăng lên khoảng 130.000 con. Để giải quyết tình trạng quá nhiều voi, Botswana đã cung cấp 8.000 con voi cho Angola. Quốc gia châu Phi cũng tính gửi 500 con khác cho Mozambique nhưng Mozambique vẫn chưa lấy voi.

"Chúng tôi muốn tặng một món quà như vậy cho Đức", ông Masisi nói, nhấn mạnh ông sẽ "không chấp nhận câu trả lời là không".

Tổng thống Botswana lập luận rằng những nỗ lực bảo tồn đã dẫn đến sự bùng nổ quần thể voi và việc săn bắn là một "phương tiện quan trọng để kiểm soát chúng".

Ông Masisi kể về các vụ việc voi giẫm chết người, phá hoại mùa màng và gây thiệt hại cho các ngôi làng. Ông cảnh báo lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm từ săn bắn sẽ chỉ khiến người dân Botswana nghèo đi.

Ông Masisi tuyên bố rằng đất nước của ông làm nhiều việc để bảo vệ động vật hoang dã "hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới" và mời quan chức Đức đến kiểm tra công tác bảo vệ động vật hoang dã ở đất nước ông.

Botswana đã cấm săn bắn lấy chiến lợi phẩm vào năm 2014 để giúp số lượng voi đang suy giảm phục hồi sau nạn săn trộm và môi trường sống bị thu hẹp. Nhưng lệnh cấm đã bị bãi bỏ vào năm 2019 sau áp lực từ cộng đồng địa phương và Botswana hiện ban hành hạn ngạch săn bắn hàng năm.

Theo Guardian