Ukraine ban hành lệnh cấm cài đặt, sử dụng Telegram trên các thiết bị chính phủ do lo ngại bị do thám qua ứng dụng này.
"Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) quyết định hạn chế sử dụng Telegram tại các cơ quan chính phủ, đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng quan trọng", NSDC ngày 20/9 thông báo, thêm rằng đây là "vấn đề an ninh quốc gia".
Cơ quan này cho biết quy định trên không áp dụng với các nhân viên cần sử dụng Telegram do nhu cầu công việc, khi nền tảng vẫn là kênh liên lạc quan trọng của quân đội và giới chức Ukraine.
Andriy Kovalenko, người đứng đầu trung tâm phòng chống tin sai lệch của NSDC, xác nhận hạn chế chỉ có hiệu lực với thiết bị của chính phủ, không áp dụng với điện thoại cá nhân.
Biểu tượng Telegram trên điện thoại trong ảnh chụp hồi tháng 7. Ảnh: AFP
Lệnh cấm được ban hành sau khi Kyrylo Budanov, giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), nộp lên NSDC bằng chứng Nga có khả năng do thám thông qua Telegram. Theo NSDC, bằng chứng của ông Budanov cho thấy lực lượng Nga có thể truy cập được tin nhắn trên nền tảng, trong đó có cả tin nhắn đã bị xóa, cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng.
"Tôi luôn và sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do ngôn luận, song vấn đề với Telegram không phải tự do ngôn luận mà là an ninh quốc gia", trùm tình báo Ukraine nhấn mạnh.
Một số quan chức an ninh Ukraine cũng cho biết Nga có thể sử dụng Telegram để "phát tán phần mềm độc hại và lừa đảo, xác định vị trí người dùng và chỉ thị mục tiêu tập kích tên lửa".
Chính phủ Nga chưa bình luận về thông tin.
Telegram có trụ sở tại Dubai và do Pavel Durov, người sinh ra ở Nga, thành lập. Ông Durov năm 2014 rời Nga sau khi từ chối đáp ứng yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên mạng xã hội VKontakte, nền tảng khác do ông sáng lập và đã bán.
"Cha đẻ" Telegram bị giới chức sở tại bắt khi hạ cánh xuống Pháp hồi tháng 8 trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động tội phạm trên Telegram, như khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch lừa đảo. Ông Durov đã được tại ngoại sau khi nộp khoản bảo lãnh 5,5 triệu USD, kèm điều kiện phải đến đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần và không được rời khỏi Pháp.
Telegram được sử dụng phổ biến ở Nga và Ukraine, đặc biệt sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát đầu năm 2022. Truyền thông Ukraine ước tính đến cuối năm ngoái, 75% người dân nước này đang sử dụng Telegram để liên lạc và 72% coi nền tảng này là nguồn thông tin chính. Hiện có khoảng 33.000 kênh Telegram hoạt động ở Ukraine.
Phạm Giang (Theo Reuters, AFP)
Đăng thảo luận